MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 9.12, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) được Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn đối ngoại quốc phòng Việt Nam năm 2020

Thanh Hà LDO | 24/12/2020 08:22

Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020 đánh giá: Đối ngoại quốc phòng đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tiến hành tích cực, chủ động, sáng tạo, có chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Những bước tiến vượt bậc

Năm 2020, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc với cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Năm 2020 cũng là năm Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng; tích cực tham vấn và chuẩn bị các hoạt động đối ngoại quốc phòng năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trả lời phỏng vấn TTXVN mới đây về những kết quả nổi bật của đối ngoại quốc phòng song phương trong năm 2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chúng ta đã duy trì được điều đó ở đường biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ, đó chính là phên dậu, động lực, cơ sở để đất nước ổn định, hợp tác, phát triển. Ở Biển Đông, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn khái quát lại chúng ta vẫn giữ được những gì mà chúng ta đang giữ và chúng ta không buông, không dừng công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động hòa bình trên biển như dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch... vẫn được phát triển”.

Tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước. Năm qua, trong điều kiện phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đối thoại chính sách quốc phòng với Bộ Quốc phòng các nước: Mỹ, New Zealand, Anh, Australia… Các đối tác đối thoại khẳng định coi trọng quan hệ, mở rộng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Mỹ bày tỏ mong muốn Việt Nam ngày càng vững mạnh, cam kết tiếp tục hợp tác thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trên các lĩnh vực: Khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh hàng hải, nâng cao năng lực cảnh sát biển, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa...

Về quan hệ đa phương, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định, “trong những năm qua hợp tác quốc phòng có những bước tiến vượt bậc”. Theo đó, hoạt động quốc phòng quân sự của Việt Nam trong ASEAN rất nổi bật. Không chỉ dừng ở trong khu vực Đông Nam Á, từ năm 2019, Việt Nam chính thức ký hợp tác và là thành viên đối tác của Liên minh Châu Âu (EU) về mặt quốc phòng quân sự.

Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng là một điểm sáng, tạo hình ảnh tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Đến nay, 50 lượt sĩ quan được cử đi thực hiện nhiệm vụ theo cương vị cá nhân tại các phái bộ ở Trung Phi, Nam Sudan và hai bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan với 126 cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ. Trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

“Năm 2020 là năm đặc biệt khi lần đầu tiên hai sĩ quan Việt Nam trúng tuyển vào cơ quan tham mưu chiến lược của Liên Hợp Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Điều này rất thuận lợi cho chúng ta trong việc triển khai các hoạt động, song quan trọng hơn là đã thể hiện đánh giá tích cực của Liên Hợp Quốc về vai trò của Việt Nam” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Theo ông, năm 2020 cũng có thể nói là “năm tỏa sáng của nữ sĩ quan Việt Nam”. Hiện tỉ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam khoảng 17%, cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới.

Chủ động thích ứng, phát huy vai trò chủ nhà

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò "kép" là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN, cũng là năm Việt Nam chủ trì nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng.

“Về quốc phòng, ngay từ khi có dịch COVID-19, Bộ Quốc phòng đã xác định phải chuyển toàn bộ các hoạt động sang thích ứng với tình hình dịch bệnh kéo dài, như họp trực tuyến, điều chỉnh lại các kế hoạch; xác định dù có dịch COVID-19 nhưng vẫn giữ nguyên các nội dung hợp tác quốc tế về đối ngoại với cả ASEAN và Liên Hợp Quốc, duy trì tốt hoạt động gìn giữ hòa bình, không rút quân…” Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm chỉ đạo “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam quyết không để đối thoại, hợp tác quốc phòng bị ngưng trệ do đại dịch. Sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến kết hợp với bán trực tuyến và các hình thức, biện pháp linh hoạt khác do Việt Nam đề xuất trong Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) được Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác hoan nghênh. Việt Nam đã chuẩn bị và tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+).

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ở thời điểm gần cuối năm 2020, có thể nói tất cả những hoạt động về đối ngoại quân sự quốc phòng do Việt Nam chuẩn bị đều được hoàn thành tốt về mặt nội dung. Trong đó, Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) với sự tham gia của 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác và 5 nước khách mời đều là những nước lớn.

Thượng tướng đánh giá, những nội dung được thảo luận tại hội nghị rất bổ ích cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước, nhưng cũng tạo được sự đồng thuận của tất cả các nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn