MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hoà trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: T.Vương

Đấu giá tài sản: Còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá

VƯƠNG TRẦN LDO | 23/07/2020 07:01

Theo Bộ Tư pháp, vẫn còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản. Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động đấu giá. Đồng thời cần phải minh bạch thông tin trong các hoạt động đấu giá để tránh những tiêu cực trong thực tiễn. 

Còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”...

Theo báo cáo chuyên đề về hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 1.2017 đến tháng 12.2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 86.607 cuộc đấu giá thành với tổng giá khởi điểm hơn 194.755 tỉ đồng, tổng giá trị bán thành hơn 233.053 tỉ đồng. Qua đó làm lợi cho người có tài sản, ngân sách Nhà nước hơn 38.185 tỉ đồng, nộp thuế gần 100 tỉ đồng.

Bộ Tư pháp nhận định, thực tế hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua cho thấy địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa. 

Ví dụ, vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành đã tăng từ 438 tỉ đồng lên hơn 1.215 tỉ đồng; vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát... 

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản. Đặc biệt là xuất hiện hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá. Tình trạng này diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương...

Nhìn nhận về việc này, Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi này xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Mặt khác, còn có tình trạng việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”, do đó, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, thậm chí còn tình trạng móc nối để trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý...

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thực tế trong hoạt động đấu giá, đấu thầu tại một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “sân sau”, “quân xanh, quân đỏ”. Những hành vi này diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó phát hiện. Các thủ tục thông thường nếu như không có hoạt động thanh tra, kiểm tra thì khó phát hiện được. 

Ông Hoà chỉ ra một trong những nguyên nhân đó là giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi. Thứ hai, có những sự việc như chuẩn bị đấu giá, đấu thầu thì có thông tin để doanh nghiệp “sân sau” chuẩn bị các điều kiện tham gia đấu giá, đấu thầu. Còn những đơn vị khác khi nhận được thông tin chính thức mới chuẩn bị hồ sơ thì gần như không thể chuẩn bị kịp, do đó không thể tham gia. Như vậy, sự cạnh tranh trong hoạt động đấu giá sẽ bị giảm đi, tài sản đấu giá sẽ không định đúng mức giá dẫn tới thiệt hại cho nhà nước.

Mặt khác, có những trường hợp ma mãnh, thông đồng, sân sau để tham gia đấu giá. Họ tham gia đấu giá mua tài sản đó thậm chí có tình trạng chi tiền cho những người tham gia đấu giá khác để họ rút hồ sơ.

“Những hành vi phát sinh tiêu cực này các trung tâm đấu giá tài sản nhà nước cần phải nắm rõ để tránh để xảy ra tình trạng trên. Đồng thời, cần minh bạch quá trình đấu thầu, đấu giá để hoạt động này có hiệu quả, tài sản nhà nước được định giá đúng giá trị, thu hút được nhiều người tham gia đấu giá” - ông Hoà nhấn mạnh.

Dẫn lại một số vụ việc vi phạm trong hoạt động đấu giá, đấu thầu, ông Hoà cho rằng cần tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản; Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định. Khi có phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh.

Liên quan tới việc này, LS Nguyễn Hưng Quang (Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư NH Quang & Cộng sự) cho rằng, về mặt đấu giá, các quy định và văn bản pháp luật đã có nhiều quy định về việc này. Tuy nhiên thực tế vẫn còn hoạt động thông đồng trong hoạt động đấu giá thì do có những con người cố ý lạm dụng, làm trái các quy định của pháp luật. Do vậy cần phải có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc điều tra làm rõ với những sai phạm để bảo đảm thực thi pháp luật được nghiêm minh.

“Đơn cử như trường hợp muốn đấu giá thì phải có thẩm định giá và xác định mức giá đầu tiên. Khi đấu giá thì giá trị tài sản công phải được định giá như thế nào và bán như thế nào để có lợi nhất cho nhà nước. Nếu có tiêu cực thì ngay từ khâu định giá đó đã không phù hợp dẫn tới việc tài sản nhà nước bị bán dưới giá trị thực tế” - LS Quang nói.

Minh bạch thông tin, hạn chế “cò mồi”, dọa nạt trong đấu giá

LS Nguyễn Hưng Quang cho biết, trong hoạt động đấu giá, để tránh việc thông đồng giữa các bên tham gia đấu giá với các quan tổ chức đấu giá để mua được tài sản với giá thấp đòi hỏi cần có sự giám sát trong suốt quá trình đấu giá. Câu chuyện “quân xanh, quân đỏ” cũng sẽ được hạn chế nếu phát hiện và ngăn chặn sớm. Mặt khác, nếu phát hiện có sai phạm thì cần huỷ kết quả đấu giá để hạn chế tiêu cực. Đồng thời, nếu cơ quan điều tra điều tra và xử lý những sai phạm thì sẽ tăng tính răn đe và giảm đi thực tiễn xấu.

Cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết, LS Quang nhìn nhận, ứng dụng CNTT trong đấu giá sẽ hạn chế được nhiều tác động tiêu cực từ phía con người. Trong trường hợp xác định được tài sản đấu giá cho dù có thấp nhưng thông tin được công khai có nhiều người biết thì sẽ có nhiều người tham gia đấu giá hơn. Các quy trình về hoạt động đấu giá được công khai ra ngoài. Việc này cũng sẽ hạn chế được tình trạng cò mồi, hay dọa nạt người tham gia đấu giá. Việc này hạn chế được nhiều tình trạng nhiều con người có thể can thiệp tiêu cực vào hoạt động đấu giá.

“Việc ứng dụng CNTT tiết kiệm được chi phí đấu giá truyền thống cho nhà nước. Cùng với đó, hoạt động này sẽ minh bạch tránh tiêu cực trong hoạt động đấu giá” - LS Quang phân tích.

Cùng trao đổi về việc này, bà Nguyễn Minh Thảo - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” hay “sân sau” trong hoạt động đấu giá thì cần phải minh bạch thông tin, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 1.2018 đến tháng 12.2019, Cục Bổ trợ tư pháp đã tổ chức 11 Đoàn thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm với tổng số tiền là 131 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn