MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: PV

Đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ

NHÓM PV LDO | 21/10/2022 17:28

Chiều 21.10, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo ông Lê Quang Huy, tại thời điểm cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó doanh nghiệp cần 7 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư.

Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo.

Đến tháng 12.2016, Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông để triển khai mạng thông tin di động 4G.

Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1.7.2017), Bộ TTTT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm lại vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước (Bộ TTTT lại là đại diện chủ sở hữu của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone tại thời điểm đó), gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Trong các năm 2017 - 2018, Bộ TTTT đã 3 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn để tiếp tục thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật và phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Bộ TTTT đã phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và tháng 4/2020 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg (về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ) mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.

Cho đến ngày 1.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Trong khi đó, đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế có liên quan chưa theo kịp quá trình phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc chậm trễ thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện đã được đề cập trong Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13.9.2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Cụ thể, qua giám sát thấy rằng, việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động (được đánh giá là băng tần có giá trị thương mại cao) chưa thực hiện được do phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số; việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện đã gây lãng phí rất lớn tài nguyên tần số, kho số, nhưng Bộ TTTT không báo cáo được số liệu lượng hoá lãng phí này.

Chính vì vậy, trong quá trình đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị chỉ cấp giấy phép thông qua đấu giá, không thi tuyển; Có ý kiến đề nghị phân tích và đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần, không đấu giá băng tần; ưu nhược điểm của 2 phương án; đề nghị quy định tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho từng phương thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định ba hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp.

Trong đó, đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, doanh nghiệp cạnh tranh về giá để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn