MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện ngành gỗ Bình Định vẫn đang chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: N.T

Đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư

NGUYỄN TRI LDO | 10/12/2019 18:30
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định đang tập trung nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, các công trình trong điểm mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là chú trọng các điểm tắc nghẽn về giao thông.

Ngành chủ lực bị bỏ rơi?

Tại buổi đối thoại vừa qua giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định với khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay, hiện ngành gỗ Bình Định vẫn đang chiếm lĩnh thị trường, trở thành một trung tâm phát triển đồ gỗ lớn nhất cả nước. Nhưng để tiếp tục phát triển ngành gỗ trở thành mũi nhọn, cần phải quy hoạch tập trung lại thành cụm công nghiệp, khu công nghiệp gỗ; đồng thời cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn, tập trung, bài bản hơn.

“Phải có chiến lược phát triển các Công ty Lâm nghiệp hướng đến Cổ phần hóa; có chính sách hỗ trợ các Doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, nhân lực cho ngành; cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt đường vận tải nặng ngành gỗ kết nối với Cảng Quy Nhơn…” - đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nói.

Đánh giá về tình hình phát triển ngành gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng cho hay, ngành gỗ vẫn là ngành chủ lực ít nhất là trong 5 - 10 năm tới. Vì vậy, việc nghiên cứu hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành, được tỉnh hết sức quan tâm. Vấn đề lớn nhất của ngành gỗ là hiện không có nhà đầu tư.

“Thời gian trước cũng có một Khu chế biến tập trung cho ngành gỗ, rộng 300ha, nhưng cuối cùng chỉ có một vài nhà đầu tư đăng ký rồi bỏ cuộc. Nếu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đứng ra thành lập cụm, khu công nghiệp về gỗ thì tỉnh ủng hộ” - ông Dũng cho hay.   

Cũng tại buổi đối thoại, ông Dũng khẳng định, trong thời gian đến, tỉnh sẽ cố gắng cải thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, cam kết rà soát lại các thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Bình Định.

“Tỉnh tạo điều kiện phải trong khuôn khổ nên nhiều đề nghị vượt quá thẩm quyền của tỉnh thì đề nghị doanh nghiệp hết sức thông cảm. Như chúng ta xin đất thì nói rất hay, nào là nhà máy nọ nhà máy kia, công nghệ Châu Âu đủ thứ, nhưng xin xong là lại làm cái kho lên cho thuê, rồi bán qua bán lại, ai chấp nhận được” - ông Dũng cho hay.

Chủ tịch Bình Định cũng yêu cầu các sở, ban ngành và cả doanh nghiệp phải cẩn trọng vấn đề môi trường, không đánh đổi bằng mọi giá, không phải ai đầu tư cũng được. “Thà chậm nhưng chắc, giữ được môi trường trong lành, hiện nay Quy Nhơn là một trong những địa phương có chỉ số môi trường tốt nhất cả nước” - ông Dũng yêu cầu.

Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10/11 các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão) có doanh nghiệp (Doanh nghiệp) tham gia xuất khẩu và đã xuất khẩu sang 96 quốc gia, vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, điểm nghẽn hiện nay của Bình Định chính là hạ tầng giao thông. Nếu không mở thêm các con đường xuống Cảng Quy Nhơn - cửa ngõ xuất nhập khẩu của tỉnh, thì kinh tế Bình Định sẽ không phát triển. “Đã mấy chục năm qua, hàng hóa xuống là bị tắc, vì chỉ có một con đường Trần Hưng Đạo xuống Cảng Quy Nhơn, trong khi con đường này chật hẹp, ngoài ra, không có con đường nào khác để xuống cảng” - ông Dũng nói. Theo ông Hồ Quốc Dũng, tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, các công trình trọng điểm mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là chú trọng các điểm tắc nghẽn về giao thông. 

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho rằng, quy mô hoạt động còn nhỏ, chưa tiếp cận được các thị tường lớn; trình độ công nghệ, trang thiết bị máy móc còn hạn chế. Chỉ khoảng 10,5% Doanh nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại, 18,5% Doanh nghiệp khá hiện đại; 72% Doanh nghiệp có trình độ trung bình và lạc hậu. Chưa hết, hiện Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn