MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Đầu tư hơn nữa về nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/09/2023 15:45

Ngày 6.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao ý nghĩa, sự cần thiết và kỳ vọng nhiều vào thành công của hội nghị.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong nhiệm kỳ này, công tác xây dựng pháp luật được Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan liên quan đặc biệt quan tâm và có nhiều đổi mới.

Về phía tổ chức Công đoàn, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quán triệt và tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện trong các cấp công đoàn.

Có 4 kết quả nổi bật đạt được, đó là: Đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thức đây là đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội, nhưng trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam, đòi hỏi quá trình xây dựng dự án luật này cần có cách tiếp cận mới, phù hợp, thúc đẩy quá trình hội nhập.

Đạo luật này sau khi được sửa đổi phải vừa tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy tổ chức Công đoàn Việt Nam đổi mới và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp đất nước ta hội nhập sâu rộng. Quá trình xây dựng luật vì vậy được thực hiện một cách khoa học, bài bản, thận trọng.

Đến nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tốt các công việc trong giai đoạn đề nghị xây dựng luật như: Ban hành kế hoạch thực hiện hoạt động sửa đổi luật; tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Công đoàn; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Hiện dự án luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong giai đoạn xây dựng dự án luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi văn bản xin ý kiến các ban, bộ, ngành về giới thiệu nhân sự tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tập trung nguồn lực soạn thảo, xây dựng hồ sơ dự án luật, xin ý kiến các ban, bộ, ngành vào quý IV.2023. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn và các đối tượng tác động khác.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tham gia đóng góp ý kiến và phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật liên quan đến đoàn viên, người lao động như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Nhà ở, Luật Đất đai...

Đặc biệt, từ việc xác định đoàn viên, người lao động là đối tượng liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật và có vai trò to lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, trong bối cảnh Nhà nước dự kiến ban hành nhiều đạo luật liên quan nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động, từ đó nhiều ý kiến của đoàn viên, người lao động liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật đã được chuyển tải tới Quốc hội.

Đáng chú ý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Diễn đàn Người lao động năm 2023 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận...

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ rà soát quy trình làm luật, đảm bảo cho hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, chất lượng, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị, đầu tư hơn nữa về nguồn lực, kinh phí cho công tác làm luật, bởi một dự án luật chất lượng đòi hỏi cần có nguồn kinh phí xứng đáng.

Bên cạnh đó, đổi mới, mở rộng việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, đảm bảo đối tượng gốc, nhóm lớn, cách thức tiếp cận, đặt vấn đề chuẩn mực để họ có những góp ý đúng, trúng. Thực tiễn đời sống, việc làm của người lao động là sự mách bảo rất ý nghĩa cho quá trình hoàn thiện pháp luật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn