MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2021.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không để vaccine ngừa COVID-19 quá hạn

Đặng Chung - Trần Vương LDO | 05/05/2021 19:30
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn, nên nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị hiện nay là thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của nhân dân. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine và tiêm hết số vaccine hiện có.

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên là chống dịch COVID-19

Chiều tối 5.5, mở đầu buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin về các nội dung trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo ông Sơn, Chính phủ đã tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm một số vấn đề nổi lên gần đây. Điển hình là công tác phòng, chống COVID-19 khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, nhiều địa phương xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thảo luận công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong tháng này.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 cùng một số nội dung quan trọng khác cũng được các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, kịp thời nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã được triển khai hiệu quả. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa một quốc gia, tổ chức, hay cá nhân nào có thể khẳng định thời điểm kết thúc. Do đó, đại dịch vẫn là mối đe dọa lớn, phải kiểm soát tốt, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị hiện nay là thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn, nỗ lực giữ vững thành quả đã đạt được, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

“Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không bi quan, hoảng hốt. Phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh tốt hơn”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thông tin, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, yêu cầu các bộ, cơ quan địa phương, triển khai nghiêm túc việc chống dịch.

Chống dịch phải cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các hành vi nhập cảnh trái phép, không tuân thủ nghiêm việc cách ly, có thể xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Không để vaccine quá hạn

Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tại phiên họp thường kỳ sáng 5.5, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế có phương án ứng phó với mọi tình huống dịch, chủ động tiếp cận nhiều nguồn vaccine, xét nghiệm nhanh và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hiện đang có.

"Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 15.5 tới, toàn bộ số vaccine sẽ được tiêm, đảm bảo an toàn, không để vaccine quá hạn, công khai việc tiêm vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát. Đồng thời xây dựng đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và huy động nguồn lực để thực hiện, báo cáo Chính phủ tại phiên họp chuyên đề tháng 5.2021" - ông Sơn thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ đã đồng ý với việc công dân Việt Nam ở các nước láng giềng về nước bằng đường bộ sẽ thực hiện các biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu và sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí khi thực hiện cách ly y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 5.5: Việt Nam có tổng cộng 1.626 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.4 đến nay: 56 ca.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 5.5: 26 ca mắc mới, trong đó có 8 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn