MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: DT

ĐBQH chuyên trách thảo luận 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Phạm Đông LDO | 28/03/2022 10:03

Trong 2 ngày 28 và 29.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sáng 28.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Tham dự hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân... 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi; bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra.

Mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Thứ hai, về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thi đua, khen thưởng là động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần bảo vệ chế độ chính trị - xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quản lý quan trọng, tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng con người mới; lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng nhằm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến…

Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng.

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thứ ba, về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Phiên họp thứ 9. Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung vào chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh;

Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Thứ tư, về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn; nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Trong khi đó, quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp; chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm không ổn định.

Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung, phân tích về tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật, về nguyên tắc áp dụng pháp luật. Các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận, nếu thấy cần thiết, chủ tọa, người điều hành hội nghị sẽ mời đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, trao đổi làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn