MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH đề nghị đánh giá việc mong "kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa"

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 31/10/2023 17:58

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm, đánh giá ý kiến cho rằng, tâm trạng của một bộ phận xã hội là mong "kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa".

Trong phần thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 31.10 tại hội trường Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) ghi nhận quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nửa nhiệm kỳ qua trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, khó khăn chồng chất khó khăn.

Đại biểu Tô Văn Tám cho biết, nửa nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ban hành 37 luật, nghị quyết làm cơ sở cho Chính phủ ban hành khoảng 264 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 71 quyết định tạo khung pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Chính phủ đã bình tĩnh, tự tin, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám, về mặt xã hội đang còn những vấn đề đặt ra đáng quan tâm. Đó là sự bất bình đẳng trong đời sống và thu nhập, thể hiện sự chênh lệch thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp lao động, dân cư.

Về đạo đức lối sống, đại biểu cho rằng sự xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Qua những đại án về hình sự và nhiều vụ án kinh tế, trong đó có nhiều người đã và đang chịu sự phán xét của pháp luật, dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Hay như sự ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường... Đây là vấn đề không mới nhưng điều mà người dân lo ngại là tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm của hành vi và hậu quả đau lòng của nó.

Theo đại biểu, có ý kiến cho rằng, tâm trạng của một bộ phận xã hội là mong "kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa".

"Nghe có vẻ phi lý và cũng chưa có đủ cơ sở để xem đó có phải là tâm trạng của một bộ phận xã hội hay không nhưng cũng cần quan tâm, đánh giá", đại biểu nói.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, nếu bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục. Đồng thời, giải pháp ngăn chặn sự suy thoái đó cũng đặt trong tổng thể này.

Về chênh lệch thu nhập, đại biểu cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi và đề nghị đánh giá mức chênh lệch đó đang ở mức nào, đã dẫn đến nguy cơ xung đột chưa để có giải pháp xử lý sao cho khoảng cách thu nhập ở mức thích hợp.

Theo đại biểu, người dân không bất bình với sự làm giàu và đang tích cực làm giàu chính đáng. Người dân chỉ phẫn nộ và bất bình với sự làm giàu bất chính và tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) phát biểu tại Hội trường chiều 31.10. Ảnh: VPQH

Trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị cần tiếp tục cần hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn