MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Ảnh: QH

ĐBQH đề nghị làm rõ tác động khi chậm hoàn thành đường Hồ Chí Minh

NHÓM PV LDO | 06/06/2022 16:03

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Chiều 6.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 66, gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 38. Theo đó, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành hơn 86% tổng chiều dài toàn tuyến và đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là 28 tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng chất lượng công trình nhiều đoạn, tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý, điều hành lang an toàn chưa tốt, để xảy ra tiêu cực theo những hạn chế, hiệu quả tổng hợp của công trình, gây lãng phí nguồn lực.

Đại biểu đồng tình với báo cáo về những nguyên nhân chủ quan gây ra tồn tại, hạn chế này, theo đó, có nguyên nhân về khâu tổ chức thực hiện thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và thiếu kiểm tra, rút kinh nghiệm nên dẫn đến hạn chế nêu trên.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, rút kinh nghiệm cho các công trình đang triển khai đầu tư rất lớn.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bố trí nguồn vốn khả thi để đảm bảo hoàn thành các dự án tiếp theo, thống nhất nối thông toàn tuyến trong năm 2025. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp để nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như bảo đảm an toàn giao thông.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Theo đại biểu, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cũng là sự thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, đến nay đường Hồ Chí Minh vẫn chưa được thông toàn tuyến. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ, kéo dài nêu trên là do trong quá trình triển khai dự án, thời gian kéo dài quy mô lớn và gặp không ít khó khăn nhất là việc ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Một số dự án thành phần cũng còn chậm. Công tác thực hiện giải phóng mặt bằng ở một số địa phương làm chưa quyết liệt và còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiếp đến Chợ Bến. Đại biểu nhấn mạnh, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030, có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có thiên đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thành việc quyết toán các dự án thành phần; cần làm rõ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần; kết quả phát hiện các vi phạm và xử lý vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm toán của các dự án thành phần.

Tiếp đó, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị làm rõ khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn