MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lâm Đình Thắng phát biểu ý kiến về Luật giáo dục chiều nay 8.11. Ảnh: Thành Trung

ĐBQH đề xuất người làm quản lý nhà nước về giáo dục không được tham gia viết sách giáo khoa

Nguyên - Hùng - Trung LDO | 08/11/2018 18:56
Đại biểu Lâm Đình Thắng (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, những người làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục không được tham gia viết sách giáo khoa.

Chiều 8.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục trước Quốc hội.

Góp ý về dự thảo luật này, theo đại biểu Lâm Đình Thắng (TPHCM), Điều 30 của dự thảo Luật Giáo dục quy định về Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa cần quy định rõ việc cán bộ đang quản lý nhà nước về giáo dục không được tham gia viết sách giáo khoa.

“Trừ những trường hợp được nhà nước phân công viết”, ông Thắng nói và cho biết, thời gian qua đã có hiện tượng một số cán bộ quản lý giáo dục được tư nhân mời viết sách giáo khoa.

Lý do cần cấm người làm công tác quản lý nhà nước không được tham gia viết sách giao khoa, theo ông Thắng là do những người này sẽ tham mưu cho hội đồng đánh giá, thẩm định các bộ sách giáo khoa do tư nhân và các đơn vị nhà nước viết.

Ngoài việc cấm cán bộ quản lý giáo dục tham gia viết sách giáo khoa, vị đại biểu đoàn TPHCM còn kiến nghị thêm một số vấn đề liên quan tới dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thứ nhất, ông Thắng cho rằng cần bổ sung thêm mục tiêu phát triển toàn diện cả về ngôn ngữ cho trẻ mầm non trong mục tiêu của giáo dục mầm non.

“Ý này được nhiều giáo viên và hiệu trưởng của các trường mầm non đề xuất, nhưng trong dự thảo chưa tiếp thu ý này”, ông Thắng nói và đề nghị, nếu không đưa kiến nghị này vào dự thảo luật thì cần có giải trình cụ thể.

Về phương pháp giáo dục phổ thông, ông Thắng cho biết, hiện nay chúng ta đang quan trọng yếu tố giáo dục khai phóng, có nghĩa là làm sao để phát huy và tôn trọng được năng lực của từng cá thể trong môi trường giáo dục.

“Tuy nhiên, khi đặt vào trong yêu cầu của giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục lại không cho thấy điều đó”, ông Thắng nói và kiến nghị nên bổ sung thêm 1 dòng “nếu dùng từ khai phóng thì phải định nghĩa, nếu không dùng từ khai phóng thì phải ghi thêm vào đó một cái ý đó là tôn trọng và phát huy được năng lực của từng học sinh” vào trong luật.

Ông Thắng phàn nàn về việc học sinh hiện nay bị cuốn vào các bài kiểm tra, các bài thi liên tục nên không còn cảm hứng học tập.

Từ đó, ông Thắng kiến nghị nên đưa nội dung cấm hoặc hạn chế chạy đua điểm số, chạy đua theo thành tích trong ngành giáo dục đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục cơ sở trong Luật Giáo dục để tránh việc học sinh mất cảm hứng học tập, bao nhiêu thời gian tập trung hết vào làm bài kiểm tra và các bài thi.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, cần thêm tính cập nhật với những yêu cầu của thời đại và môi trường hội nhập quốc tế vào phương pháp và yêu cầu của giáo dục phổ thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn