MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBQH: Giá xăng dầu ở mức hiện nay chưa phải nỗi đe doạ lớn cho lạm phát

Nhóm PV LDO | 02/06/2022 12:25

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu neo ở mức như hiện nay chưa phải là nỗi đe doạ lớn cho lạm phát. Bởi xét tổng thể các yếu tố vĩ mô có thể thấy chúng ta hoàn toàn có thể kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%.

Kiến nghị giảm thuế phí để kiểm soát giá xăng dầu

Ngày 2.6, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng áp lực lạm phát không quá lớn mặc dù giá xăng dầu và các nguyên liệu nhập khẩu có tăng lên.

Ông cho rằng, giá xăng dầu neo ở mức như hiện nay chưa phải là nỗi đe doạ lớn cho lạm phát. Bởi xét tổng thể các yếu tố vĩ mô có thể thấy chúng ta hoàn toàn có thể kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội). Ảnh: T.Vương

“Áp lực lạm phát không phải là quá lớn bởi tổng cầu không quá cao. Sau thời gian dịch bệnh, có thể thấy nguồn tích luỹ của người dân và doanh nghiệp giảm đi rất nhiều. Tất nhiên vẫn phải thận trọng trong điều hành vĩ mô” - đại biểu Lộc nói và cho rằng, với đà tăng trưởng 5 tháng đầu năm kết hợp điều hành chính sách vĩ mô hiện nay việc kiềm chế lạm phát là hoàn toàn có dư địa để kiểm soát dưới 4%.

Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp ông kiến nghị giảm thuế với xăng dầu để kiểm soát giá mặt hàng này. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng các biện pháp giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và phát triển, cũng có tác dụng kiềm chế mặt bằng giá qua đó kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu quan trọng.

Giá xăng dầu thay đổi rất nhanh, nhiều đại biểu rất trăn trở

Cùng trao đổi việc này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết trong bối cảnh hiện nay giá xăng dầu thay đổi rất nhanh, thay đổi từng ngày, mới đây giá xăng tiếp tục lên, khiến các đại biểu rất trăn trở. 

Qua tiếp xúc cử tri, người dân rất băn khoăn, nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp sau một thời gian dài chịu rất nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Chính vì vậy Quốc hội, Chính phủ cũng cần có giải pháp căn cơ để kiềm chế giá xăng dầu, ở đây trực tiếp là giảm các loại thuế để giảm giá xăng, giúp người dân có điều kiện, nhất là các mặt hàng chịu ảnh hưởng như cước vận tải, người dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ…

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình).

Theo đại biểu đoàn Hoà Bình, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời các đại biểu tại hội trường về tác động của giảm giá xăng dầu cũng như các điều kiện để giảm giá thì cũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả Chính phủ, Quốc hội. 

“Tôi cũng mong muốn các bộ, ngành có đánh giá hết sức kỹ lưỡng, quan tâm để vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Từ đó người dân được tiếp cận với nguồn xăng giá cả hợp lý cũng như giảm giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên cũng cần tính toán kỹ để không làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách cũng như điều tiết chung của Chính phủ” - đại biểu Ngọc nêu ý kiến.

Đại biểu đoàn Hoà Bình cho rằng, cần là phải kiểm soát tốt lạm phát, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ. 

Trả lời Báo Lao Động về vấn đề giá xăng dầu tăng, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công Thương khẳng định, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn giá xăng thế giới. Do chênh lệch giá như vậy nên có tình trạng buôn lậu xăng dầu, xăng dầu trong nước chảy ra nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nói giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá, làm chương trình phục hồi kinh tế bị đổ vỡ là không sai, nhưng phải hiểu rằng nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu.

Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị thực tế; vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

"Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hoà cả trong lẫn ngoài. Còn nếu chỉ nghiêng theo hướng ép giá thật thấp, vô hình trung gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước", ông Diên cho hay.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn