MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBQH nói về ô nhiễm: "5 phút mà không thở được là về thế giới bên kia"

VƯƠNG NGUYÊN CHUNG LDO | 11/06/2020 15:38

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm không khí tác động ngay vào sự sống, cho nên chúng ta cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn.

Cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn

Ngày 11.6, góp ý vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Nội dung thảo luận lần này đi rất sâu vào môi trường nhưng đây là lần đầu tiên nêu ra vấn đề bảo vệ môi trường nước.

Dẫn vụ việc xảy ra ô nhiễm sông Đà năm 2019 suýt nữa gây nên những hậu quả nguy hiểm cho hàng triệu người dân Hà Nội, bà Khánh đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường không khí, bà Khánh cho biết, thời gian vừa qua Hà Nội đã trải qua những cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Đặc biệt, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại trải qua những cảnh báo ô nhiễm không khí đề nghị người dân ở nhà, đóng cửa sổ vào, không ra ngoài trời, rồi ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội). Ảnh T.Vương

"Rõ ràng ở đây chúng ta thấy rất nguy hiểm. 5 phút không thở được là chúng ta về "thế giới bên kia". Như vậy có thể thấy ô nhiễm không khí tác động ngay vào sự sống, cho nên chúng ta cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm về bảo vệ không khí, cụ thể là trách nhiệm Bộ TNMT" – bà Khánh nhấn mạnh.

Cần phân loại rác thải ngay từ nguồn

Nhắc đền vấn đề bảo vệ môi trường nơi công cộng và ở hộ gia đình, bà Khánh nhìn nhận: "Tôi theo dõi luật bảo vệ môi trường từ trước cho đến bây giờ, lúc nào cũng nhắc đến việc phân loại từ nguồn, nhưng cuối cùng chả ai thực hiện. Theo tôi phải quy định nó sâu sát hơn. Ví dụ như Điều 61, phải phân loại rác, đưa vào từng thùng một. Bà Khánh đề nghị cần phải phân loại rác thải từ nguồn, quy định rõ từ Trung ương tới địa phương.

Cũng nêu ý kiến về việc này, Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) thì cho rằng, trong việc xử lý rác thải cũng cần gắn với trách nhiệm của các hộ gia đình. Mọi người cũng cùng tham gia vào bảo vệ môi trường thì mới tốt lên được.

Bà Hạnh cho rằng, dự thảo Luật có quy định về vai trò của MTTQ khi tham gia vận động, giám sát nhân dân thực hiện các quy định về phân loại rác và bảo vệ môi trường.

“Nếu không chấp hành thì lâu dài phải có cơ chế xử lý. Nếu không đúng bao bì thì từ chối thu gom vậy người dân vứt rác thì phải làm thế nào?” - bà Hạnh đặt câu hỏi và đề xuất với ban soạn thảo cần có nghiên cứu kỹ hơn việc này và quy định chặt chẽ hơn để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể tham gia trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời có thể nghiên cứu quá trình thực hiện có đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề phát sinh.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn). Ảnh T.Vương

Cần giảm thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, dự án luật chuẩn bị công phu, toàn diện, tiếp cận mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giải quyết nhiều vấn đề mâu thuẫn mà thực tiễn đặt ra, đưa xây dựng trên tinh thần cải cách hành chính với tư duy vì doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, ông Hiểu cho rằng cần giảm thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các bộ. Cụ thể, các bộ nên từ 45 ngày xuống 30 ngày, còn đối với UBND cấp tỉnh từ 30 ngày xuống 25 ngày. Lý do là hiện nay chúng ta đang tích cực áp dụng công nghệ hiện đại, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn