MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu phát biểu về thuỷ điện tại phiên thảo luận Kinh tế - xã hội sáng nay (5.11). Ảnh QH

ĐBQH: Nói về thủy điện và sự tàn phá của mưa lũ cần nhìn nhận khách quan

Vương Hà Chung LDO | 05/11/2020 15:14

Theo quan điểm của ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), khi nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi thì cần nhìn nhận khách quan. Bởi vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng mà góp phần vào trị thủy.

Trong phiên thảo luận sáng 5.11 về tình hình kinh tế xã hội, vấn đề mưa lũ, biến đổi khí hậu và quy hoạch các dự án thuỷ điện tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), khi nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi thì chúng ta cần xem xét ở khía cạnh lịch sử. Vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng mà góp phần vào trị thủy.

Ông nhắc đến vai trò trị thủy của đập thủy điện Sông Đà để dẫn chứng cho vấn đề mình đề cập.

“Con sông Đà hung dữ, bao nhiêu đời cha ông ta hứng chịu. Nhiều chuyên gia Liên Xô sang xây dựng, lúc đầu là trị thuỷ, sau đó mục tiêu mới là phát điện. Chính vì việc điều tiết lũ, cho nên Hà Nội tránh được những trận lụt lịch sử... Đấy là mặt tốt của thủy điện”, ông Vân phát biểu.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau). Ảnh QH

Tuy nhiên theo đại biểu Lê Thanh Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số chủ nhà máy thủy điện trục lợi thông qua phá rừng để lấy nguồn gỗ quý, đây là điều đáng lên án.

“Nếu còn nói đến vai trò của thủy điện, chúng ta phải thấy được lợi ích của nó. Chúng ta cần nhìn khách quan và đa chiều. Con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, ông Vân nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, nói về câu chuyện thủy điện thì cần bàn về câu chuyện của 40 đến 50 năm sau chứ không phải câu chuyện của hôm nay.

“Nếu ta không nhìn trước được thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau. Hôm qua, tôi hỏi Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thì Bộ trưởng có nói một giải pháp hợp lý hơn, đó là ngay từ đầu khi tham gia dự án thủy điện thì chủ đầu tư đã phải đóng khoán tiền như là phí môi trường để sau này xử lý hậu quả khi dự án thủy điện hết hạn sử dụng” - ông Quốc nói.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 thuỷ điện, chiếm 36,7% tổng công suất phát điện, là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, ít gây ô nhiễm, gần như không phát thải. Tuy nhiên, thuỷ điện có cả mặt tích cực và hạn chế.

Với tổng dung tích 56 tỉ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước, việc quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ điện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tích nước và tuỳ công suất có thể cắt lũ và phục vụ nhu cầu khác.

Mặt khác, việc xây dựng các thuỷ điện có thể tác động đến dòng chảy, kết cấu địa chất, nguồn lợi thuỷ sản và trước đây cũng có liên quan đến tình trạng mất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão. Tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không phê duyệt các dự án thuỷ điện nhỏ nào có sử dụng đất rừng tự nhiên.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc quản lý khai thác nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là điều quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn