MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Mai Hồng

ĐBQH tỉnh Điện Biên nói về việc cấp bò giống giá cao gấp 2-3 lần giá thị trường

THÀNH CHƯƠNG - MAI HỒNG LDO | 17/01/2024 11:08

Phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã nêu những ý kiến về tiêu chuẩn con giống để gỡ vướng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Ngày 16.1, tham gia phát biểu ý kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã có những ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường tham gia vào dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia - sau khi Báo Lao Động có loạt bài liên quan đến những bất cập trong việc cấp bò giống tại Điện Biên.

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, về việc mua sắm giống cây trồng, vật nuôi, mặc dù Nghị định 38/2023/NĐ-CP có quy định “ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hoá, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…”. Tuy nhiên, các địa phương chưa triển khai được do vướng mắc về tiêu chuẩn của con giống và việc xác định giá thị trường.

Bà Luyến cho rằng, Cục Chăn nuôi có văn bản đề nghị tiêu chuẩn của giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu theo Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan. Trong khi đó, người dân trên địa bàn các xã khó khăn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, giống bản địa, không thể đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi (phải có chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại, quy chuẩn thức ăn....).

Theo các quy định hiện hành thì Điện Biên không có đơn vị nào đủ điều kiện để cung ứng nên các địa phương phải hợp đồng với đơn vị từ địa bàn khác. Do vậy dẫn đến giá giống vật nuôi cao gấp 2 đến 3 lần con giống của bà con bán tại địa phương (được nuôi chăn thả thông thường) vì phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn... Bên cạnh đó, do vận chuyển xa, con giống chưa thích ứng với khí hậu nên dễ bị bị ốm.

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia đang triển khai tại Điện Biên gặp nhiều khó khăn do các quy định về tiêu chuẩn con giống. Ảnh: Lao Động

"Vừa qua báo chí tập trung phản ánh là giá vật nuôi cao, vật nuôi bị ốm, người dân được nhận hỗ trợ không đồng thuận... gây nên những ý kiến trái chiều, dư luận không tốt, cơ quan quản lý thì băn khoăn" - đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Từ những nội dung trên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, người dân đề nghị được mua con giống tại địa phương là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm chăn nuôi về chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông... và là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt.

“Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết nội dung như sau: Trường hợp mua sắm giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật do cấp tỉnh ban hành và được UBND cấp xã xác nhận” - đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Liên quan đến việc định giá giống cây trồng, vật nuôi, dự thảo Nghị quyết quy định “Cơ quan tài chính cùng cấp, hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường”. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng giao cho cấp huyện thành lập tổ thẩm định, định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện.

“Phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá. Như vậy thì địa phương mới triển khai việc ưu tiên sử dụng giống địa phương được” - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khẳng định.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh liên quan đến việc triển khai các dự án cấp bò giống thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo đó, có nhiều con bò giống gầy trơ xương đã được cấp cho nhiều hộ dân với giá cao; vì khó triển khai, nhiều xã đã trả lại nguồn vốn nhưng huyện không nhận và nhiều xã đã tiếp nhận bò giống trong khi đơn vị cung cấp con giống chưa cung cấp đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc.

Tại buổi họp báo thông tin về dự án cấp bò giống sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động được tổ chức vào sáng 10.1, đại diện lãnh đạo huyện Điện Biên cho biết, việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025 gặp rất nhiều khó khăn, do bất cập trong quy định nên toàn bộ nguồn vốn sự nghiệp năm 2021, 2022 không thực hiện được phải chuyển nguồn sang năm 2023.

Khi có Nghị quyết số 38 của Chính phủ, Thông tư 55 của Bộ Tài chính và văn bản của Cục Chăn nuôi, huyện đã tích cực triển khai để người dân sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước sau 3 năm chờ đợi.

Sau khi tiếp nhận thông tin Báo Lao Động phản ánh, huyện đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế và ghi nhận hồ sơ con giống chưa đảm bảo; chất lượng con giống cũng chưa đảm bảo về trọng lượng, độ tuổi; một số có biểu hiện lạ nước, kém ăn, một số con bị tiêu chảy dẫn đến thể trạng gầy, suy nhược...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn