MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu QH đã đặt câu hỏi tư lệnh ngành ở đâu khi người nông dân lao đao vì vụ “cafe pin, tiêu pin”?

ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Vụ "cafe pin", "tiêu pin" tư lệnh ngành ở đâu?

Khánh Hoà LDO | 25/05/2018 16:39

Ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 25.5, trong đó, có đại biểu đặt câu hỏi tư lệnh ngành ở đâu khi người nông dân lao đao vì vụ “cafe pin, tiêu pin”?

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NNPTNT, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn TP HCM cho biết bà chưa hài lòng về phát biểu của ông vì chưa thấy vai trò của tư lệnh ngành trong việc bảo hộ cho nông dân. Bà đưa ra câu chuyện cafe pin, tiêu pin. Theo đó, ngày 15.4 sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí, lúc đó có các hãng tin lớn trong ngoài nước đồng loạt đưa tin, mãi tới ngày tới 24.4 mới có chánh văn phòng của tỉnh Đắk Nông khẳng định là đến thời điểm này hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cafe. “Trong 10 ngày đó nông dân đã rất lao đao, thế thì tư lệnh ngành đâu, Bộ Công thương đâu, Hội bảo vệ người tiêu dùng đâu?”, bà Châu đặt câu hỏi. 

Theo đại biểu, Bộ Nông nghiệp phải bảo vệ người nông dân vì xuất khẩu cafe đứng thứ 2 và phải khẳng định cafe là tốt, tiêu là tốt.  “Nếu như chúng ta không khẳng định sản phẩm chúng ta là tốt mà vẫn im lặng cho tới ngày hôm nay sẽ gây hoang mang”, bà Châu nói. 

Cũng phản biện tư lệnh ngành nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hoá và tiêu thụ hàng hoá, chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ nên việc Bộ Nông nghiệp đang phân cấp trách nhiệm 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm đã góp phần dẫn tới tình trạng được mùa rớt giá, giải cứu nông sản.

Theo đại biểu, trong cách mạng CN 4.0, nông nghiệp thông minh là sản xuất theo yêu cầu, trong khi đó nông dân Việt Nam đang sản xuất hàng hoá theo trào lưu mà không tính đến yếu tố cung cầu. Ông đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nông nghiệp với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, môi trường kết nối internet, thì mới có thể giải toả, giải cứu nông sản khi được mùa rớt giá. Đây không chỉ trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn đòi hỏi trách nhiệm của các bộ ngành khác

Về phần mình, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP HCM đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT “nhìn thẳng hơn một chút là những giá trị gia tăng đó cuối cùng rồi ai là người thụ hưởng, có phải là người nông dân không?”. Ông chỉ ra thực tế năng suất lao động ngành nông nghiệp đang giảm và mong rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hết sức lưu ý tới những chi phí trung gian đã ăn hết lao động của người nông dân để khi thực hiện tái cơ cấu cũng lưu ý đến vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, thậm chí rà soát lại các quy hoạch đất, lúa ở ĐBSCL hay quy hoạch ở các khu khác.

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 3 thách thức lớn là nông nghiệp phải đi lên hiện đại từ mô hình hộ phân tán nhỏ lẻ, thách thức từ biến đối khí hậu và thách thức từ việc hội nhập kinh tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới và cho biết ngành đã nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiều nhất từ cả hệ thống chính trị. Toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế, toàn dân đều quan tâm đến vấn đề nông nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn