MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau). Ảnh: Quochoi.vn

ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Nhạ về bệnh thành tích

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung LDO | 01/06/2019 08:00
Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 31.5 trước Quốc hội, 2 đại biểu đã tranh luận với người đứng đầu ngành giáo dục về mức độ nghiêm trọng của bệnh thành tích trong nhà trường cũng như tính hợp ký của kỳ thi 2 chung.

Bệnh thành tích trong giáo dục "có trầm trọng hay không"?

Tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) hỏi vì sao không nhắc gì tới bệnh thành tích trong giáo dục" trong phần giải trình? Trong khi việc phát biểu trước Quốc hội ngày hôm qua, đại biểu Giang đã nhấn mạnh, "muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ".

Đại biểu Giang đề nghị: "Bộ trưởng xem xét đánh giá tác động của việc gom thi 2 chung này lại và đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường đại học có quyền tổ chức thi tuyển sinh".

Đại biểu Giang cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục là trầm kha. "Nó liên quan tới các bệnh thành tích khác trong xã hội chứ không riêng ngành giáo dục. Tuy nhiên, trả lời ý kiến trao đổi buổi sáng của Bộ trưởng không đề cập tới vấn đề này để làm rõ hơn cho cử tri quan tâm, cử tri biết việc bệnh thành tích đó theo Bộ trưởng có trầm trọng hay không?", đại biểu Giang đặt câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Tự chủ đại học sao không để đại học tổ chức thi tuyển sinh?

Cùng giờ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ GDĐT nói "kỳ thi chung có những ưu điểm nhưng cũng có những bất cập sẽ tìm cách khắc phục dần".

Tuy nhiên, theo đại biểu này, từ khi tổ chức kỳ thì chung luôn luôn có những bất cập, "những hệ luỵ luôn luôn xảy ra và ngày càng trầm trọng, nhất là năm 2018, cái hệ luỵ thế nào thì tất cả các đại biểu ở đây đều biết".

"Theo tôi, việc tích hợp 2 kỳ thi mà có 2 mục đích hoàn toàn khác nhau như thế này nó sẽ còn xảy ra nhiều hệ luỵ khó lường. Vì với kỳ thi thi tốt nghiệp THPT để đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, đây là quá trình cả 3 năm các em học THPT với khối lượng kiến thức rất lớn, rất nhiều môn. Nếu chỉ dựa vào mấy môn thi tốt nghiệp thì không đủ để đánh giá cả quá trình học", đại biểu nhấn mạnh. 

Vị đại biểu Đoàn Thái Bình cũng cho rằng, để hướng tới tự chủ đại học, nên để các trường đại học có quyền chủ động trong tuyển sinh, "vì vậy nên tách 2 kỳ thi này ra".

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình trước Quốc hội về những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm.

Trong giải trình, Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn "nhận trách nhiệm cá nhân" vì để xảy ra gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, những nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này trong kỳ thi năm nay.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng điểm qua những thành tựu của ngành trong thời gian qua, và bày tỏ bức xúc, lo lắng trước nạn bạo lực học đường. Bộ trưởng cũng hứa sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn