MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL (ảnh: P.V)

ĐBSCL cần cơ chế chính sách vượt trội

TRẦN LƯU - NHẬT HỒ LDO | 26/09/2017 15:12
Những tác động và thách thức sống còn đang de dọa đến vùng ĐBSCL, mà ở đó cần có chiến lược thích ứng với những cơ chế, chính sách vượt trội.

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã diễn ra hội nghị chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”.

Theo dự báo, BĐKH cùng với việc các quốc gia thượng nguồn Me Kong gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào đập thủy điện sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy tiêu cực cho ĐBSCL.

Trong khi đó, sự phát triển của vùng ĐBSCL vẫn đang thiếu chiến lược và chính sách căn cơ, thiếu tính kết nối giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp hóa đô thị hóa.

Hoạt động sản xuất lúa gạo tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL

Bên cạnh đó, sự phát triển thiếu bền vững của ngành nông nghiệp ĐBSCL đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, từ 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010 xuống còn khoảng 5%/năm giai đoạn 2010-2016.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Những tác động và thách thức sống còn đang de dọa đến vùng ĐBSCL, mà ở đó cần có chiến lược thích ứng với những cơ chế, chính sách vượt trội, nổi bật hơn những nơi khác.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, ĐBSCL đang đối mặt với quá trình sụt lún do việc khai thác nước ngọt quá mức vốn không thể cưỡng lại được. Bài toán đặt ra là cần cân bằng lại việc sử dụng nguồn nước.

“Hiện nay trồng lúa, mỗi tấn lúa xài khoảng 4.500 lít nước. Ruộng đạt 5 tấn là trên 20.000 lít nước, một con số rất lớn. Bây giờ sản xuất phải đắn đo cái nào ít tốn nước thì cho ưu tiên. Trồng lúa bây giờ không ưu tiên nữa, chỉ trồng đủ ăn và dư ra 2 triệu tấn gạo thôi, chúng ta không nên ham dư ra 8-9 triệu tấn gạo, vừa tốn nước, vừa tốn tiền bơm nhưng thu hoạch tiền không được bao nhiêu, người nông dân vẫn khổ. Chúng ta cần hạn chế  sử dụng nước ngầm, thay vào đó là áp dụng kỹ thuật biến nước mặn thành ngọt...”. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trước tình hình BĐKH, Chính phủ và Trung ương đã chỉ đạo Bộ NNPTNT cùng với các ngành, địa phương tập trung các vấn đề lớn. Trước hết là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng, khai thác những lợi thế tạo ra từ những biến động này để hạn chế những mặt tiêu cực nhất, góp phần đưa tăng trưởng vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó,  trước tái cơ cấu xoay trục như vậy thì một trong giải pháp đi kèm là biện pháp thuỷ lợi thích ứng. Nếu như trước kia chúng ta khai thác theo chiều rộng, khai thác tài nguyên nước, trước tình hình như hiện nay thì chúng ta cân đối nguồn nước trong hoàn cảnh mới để thích ứng. Vì thế công tác thuỷ lợi phải xoay trục, bám vào 3 vùng là thượng, trung và hạ nguồn để có những nhóm giải pháp thích ứng về công tác thuỷ lợi gắn với tái cơ cấu của từng tiểu vùng, làm cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp có được hiệu quả như mong muốn… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn