MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đề nghị bổ sung giải pháp đẩy nhanh thực hiện cải cách tiền lương

PHẠM ĐÔNG LDO | 31/03/2023 17:25

Đại biểu đề nghị dự thảo báo cáo kết quả giám sát cần bổ sung giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện cải cách tiền lương và cơ cấu lại lực lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành y tế; tính toán để có chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng y tế.

Ngày 31.3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp phiên thứ 3, góp ý vào dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát.

Theo Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cần đánh giá và nêu bật sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, thành viên đoàn giám sát đề nghị dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cần nêu cụ thể hơn các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong chi trả, thanh toán, hoàn trả trong trường hợp vay mượn từ các nhà cung cấp mà chưa thực hiện đấu thầu.

Cụ thể hơn việc xử lý các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến; vướng mắc trong đặt hàng xét nghiệm; thủ tục xác lập tài sản sở hữu toàn dân…

Về việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết cần bổ sung yêu cầu ngành y tế tiến hành tổng kết, đánh giá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng bởi hiện nay các địa phương đang tổ chức mô hình khác nhau.

Bổ sung nhận định, đánh giá về vai trò của y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Dự thảo về kết quả giám sát cần nêu rõ điểm nhấn để tháo gỡ vướng mắc của y tế cơ sở và y tế dự phòng, trong đó có chỉ tiêu cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện, cơ quan dân cử giám sát.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất phân tích rõ nguyên nhân khiến cán bộ y tế có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở; đề nghị trong Nghị quyết quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi 100% tiền lương cho y tế cơ sở và các giải pháp căn cơ để giữ chân, thu hút nhân viên y tế làm việc tại cơ sở.

Qua giám sát cho thấy, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều bất cập, chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Vấn đề cốt lõi của thực trạng này là thực hiện cải cách tiền lương.

Vì vậy, dự thảo báo cáo kết quả giám sát cần bổ sung giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện cải cách tiền lương và cơ cấu lại lực lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành y tế; tính toán để có chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. Ảnh: VPQH

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, nghị quyết giám sát cần cân đối về nhận định tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế, bài học, kinh nghiệm, kiến nghị giải pháp.

Nội dung báo cáo thống nhất, số liệu chính xác, có tính kết nối giữa phần đánh giá về tồn tại và các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Nghị quyết về kết quả giám sát cần chỉ rõ các giải pháp cụ thể, nêu rõ thời gian hoàn thành.

Vì vậy, đánh giá, nhận định trong báo cáo phải có tính kế thừa, thống nhất với các chủ trương, chính sách, nghị quyết đã được ban hành từ trước; nêu rõ tồn tại, đề ra các giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản lâu dài với phương châm rõ việc, rõ người làm, rõ thời hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn