MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Hải Nguyễn

Đề nghị duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn để người dân lựa chọn

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/06/2023 11:38

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, sở hữu lâu dài để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. 

Chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn

Sáng 19.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

“Ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm, trong quá trình ở cũng có sửa chữa nhưng nó đã trở thành những khu di tích, làm nên hồn cốt của đô thị ấy”, đại biểu nói và đề nghị cần thiết kế trong dự thảo luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu đặt câu hỏi hiện nay chúng ta có tổng kết lại là đang tồn tại bao nhiêu chung cư sở hữu không có thời hạn hay không?  

Ông Nghĩa cho rằng, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, sở hữu lâu dài để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh.

Theo ông Nghĩa, tại Singapore hay ở Anh, ở những nhà ở thương mại khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.

Theo đại biểu, những điều này cần kết hợp với nhau để người dân có sự lựa chọn chứ không chọn một thứ. Điều này cần được khuyến khích trong tương lai để nhà ở càng lâu dài, tuổi thọ càng cao thì càng tốt, càng có lợi cho xã hội.

Về vấn đề nuôi thú cưng trong chung cư, đại biểu cho rằng không nên can thiệp nhiều và đó là nhu cầu chính đáng, có tính chất bồi đắp tình yêu thiên nhiên, với tinh thần nhân văn. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đại biểu cho rằng không nên hạn chế việc này và cần có sắp xếp phù hợp.

Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về chính sách sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã báo cáo Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về không quy định sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý trong cải tạo, xây dựng lại chung cư, dự thảo luật đã bổ sung, làm rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong di dời, phá dỡ, đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, trách nhiệm của các bên liên quan khi phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết các trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Quy định rõ hơn việc buộc di dời khỏi chung cư xuống cấp nghiêm trọng

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho ý kiến về xây dựng lại nhà chung cư quy định tại Điều 60. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ thời hạn tối đa, cơ quan chức năng hoàn thiện việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư và việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Cần quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, biện pháp cưỡng chế, thời gian bắt buộc người dân phải di dời ra khỏi chung cư khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền trong việc đánh giá nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Về đối tượng được được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, việc hỗ trợ nhà ở không chỉ áp dụng đối với công nhân trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cần áp dụng cả với công nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có nhiều cơ chế, giải pháp để hỗ trợ cho công nhân, người lao động mua nhà, hoặc cho thuê mua, hỗ trợ thuê nhà với giá rẻ, tùy điều kiện mỗi địa phương có thể hỗ trợ không thu tiền nhà ở. Đồng thời, Luật cũng cần có quy định phân cấp mạnh hơn, có cơ chế ưu đãi nhiều hơn nữa trong việc tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho người lao động.

Về quy định tại Điều 144 về Ban quản trị nhà chung cư, đại biểu cũng đề nghị quy định để khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn