MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quốc hội

Đề nghị không đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/06/2023 18:51

Nhiều đại biểu góp ý về đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân hiện hành thành Luật Căn cước cũng như đổi tên thẻ căn cước công dân hiện nay thành thẻ căn cước tại dự thảo luật. 

Đề nghị không đổi tên thành Luật Căn cước

Chiều 22.6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) nêu rõ, Quốc hội vẫn đang bàn về sửa đổi dự thảo Luật Căn cước công dân và thẻ căn cước công dân, chưa có chỗ nào là Luật Căn cước và thẻ căn cước. Nếu Quốc hội thông qua thì mới là Luật Căn cước.

Đại biểu cho rằng, không thể thay đổi tên gọi của luật vì như thế sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh. Ông Phàn dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện có khoảng 31.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch cần phải quản lý, cấp giấy xác nhận căn cước.

Theo ông, Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Nhà nước cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam. Còn với 31.000 người chưa có quốc tịch, Nhà nước phải quản lý nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt vì họ chưa phải là công dân Việt Nam.

Cùng nói về nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, từ "công dân" đã chỉ đích danh là con người. Nếu chúng ta dùng từ "căn cước" thì không thể chỉ đích danh con người được.

Ông Hoàng Anh cũng nói, đối tượng là những người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch thì không phải là công dân Việt Nam, do vậy có thể tính toán để cấp loại giấy tờ khác để quản lý chứ không nhất thiết là thẻ căn cước.

Vị đại biểu Gia Lai cho hay, ông không đồng tình với một số lập luận cho rằng, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước để cấp cho những người đang chịu án phạt tù. Bởi vì những người đang chịu án phạt tù chỉ mất một số quyền cơ bản của công dân nhưng vẫn là công dân Việt Nam. Ông Lê Hoàng Anh nêu vấn đề, đồng thời đề nghị không nên đổi tên dự án luật.

Các đại biểu cũng không đồng tình việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước phải nộp phí nên phải cân nhắc. 

Không nên bỏ thông tin quê quán trên căn cước công dân

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - băn khoăn khi dự thảo đề xuất bỏ thông tin về quê quán của công dân trên căn cước.

Theo bà, điều này không phù hợp và mâu thuẫn với chính nội dung trong Điều 3 của dự thảo, nêu định nghĩa căn cước công dân "là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Phạm Đông

"Quê quán cũng là thông tin quan trọng về nhân thân, lai lịch giúp nhận diện con người và phục vụ trong các giao dịch hàng ngày" - bà Thủy nói và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc không bỏ mục thông tin quê quán trên căn cước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thông tin về công dân như quê quán đang có ý kiến khác nhau và chưa rõ ràng.

"Ghi là quê quán, hay quê của bố nhưng bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài sinh sống 3-5 đời hoặc lâu hơn nữa thì ghi thế nào? Rất nhiều người lúng túng nội dung này khi khai báo cho con cháu của mình" - ông Trí nói.

Đại biểu đề nghị, Bộ Công an nghiên cứu, hướng dẫn công dân khai báo quê quán sao cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán, đảm bảo thông tin rõ ràng, dễ khai, dễ quản lý.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Phạm Đông

Phát biểu tiếp thu giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở nước ta.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, một số đại biểu có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm việc đổi tên thẻ căn cước và thông tin in trên thẻ căn cước chỉ nên thể hiện những thông tin không có sự thay đổi nhiều trên thẻ căn cước. Đồng thời, cũng có một số đại biểu đề nghị bổ sung một số thông tin như là quê quán hoặc một số các thông tin khác.

Ông Lâm cũng nêu rõ, đa số đại biểu có ý kiến nhất trí với quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Đại tướng Tô Lâm cho biết, đa số đại biểu có ý kiến nhất trí với quy định này và khẳng định, đây là quy định tiến bộ, tạo thuận lợi cho người dân, giúp cải cách hành chính, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc lựa chọn loại thông tin tích hợp đảm bảo tính khả thi và thực hiện ngay được, không giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc tích hợp giấy tờ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn