MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội trường. Ảnh: PV

Đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo

NHÓM PV LDO | 27/10/2022 17:00

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lí đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục.

Đến năm 2026 cần bổ sung 107.000 giáo viên

Chiều 27.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp có nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên và vấn đề giáo viên bỏ việc.

Theo ông Sơn, trong những ngày vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được hơn 200 ý kiến của cử tri gửi tới. Trong đó đều bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng giữa việc ngành thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên bỏ việc và chuyển việc.

Về vấn đề thiếu giáo viên, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên. Con số này còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc “chứ không đứng yên”

Theo Bộ trưởng, con số này tính toán cần bù đắp để vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, hơn thế là để tính toán thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng. Một trong ba yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng là nhân tố giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình, phương pháp. 

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.

Từ tháng 9.2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học của năm 2015 là trên 19.000.000 học sinh. Nhưng đến tháng 9.2022, khi bắt đầu năm học là trên 23.000.000 học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9.2015 có 1.156.000 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9.2022 có 1.227.000 giáo viên.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu.

Các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được.

Do vậy đề nghị các địa phương cần vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, cần dồn chỉ tiêu cho các năm 2023, 2024 vì đây là lúc có nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Nếu để sau 2024, khi triển khai các chương trình giáo dục phổ thông đã xong thì việc tuyển dụng không còn ý nghĩa.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cho giáo viên sẽ là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống cho giáo viên yên tâm công tác. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non...

Đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho đề nghị đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương, đồng thời cũng cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu. 

Ghi nhận việc bổ sung chỉ tiêu giáo viên tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do vậy cần chủ động đào tạo lực lượng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình giáo dục mới. Đồng thời, cần nâng cao chế độ, chính sách tiền lương đối với lực lượng giáo viên.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lí đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn