MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe để đảm bảo minh bạch. Ảnh: Hoài Anh

Đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe để đảm bảo minh bạch

Vương Trần - Cường Ngô LDO | 10/11/2023 12:57

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như trước mà chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe. Trong khi đó, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch.

Giấy tờ xe tích hợp vào định danh điện tử sẽ không phải mang theo

Sáng 10.11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nêu cơ sở thực tiễn xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Media Quốc hội

Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo luật gồm 11 Điều, từ Điều 49 đến Điều 59 bao gồm các quy định về: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe...

Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.

Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho hay, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch và giá trị pháp lý, tương thích với Công ước viên 1968 và thống nhất với việc phân loại xe cơ giới.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vì cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước hiện nay đang thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

Về sát hạch giấy phép lái xe (Điều 53), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.

Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ (Điều 56), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải (không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ) vì sẽ làm tăng chi phí logistic, chi phí lao động của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các thị trường khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn