MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân

PHẠM ĐÔNG LDO | 13/12/2023 16:25

Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều 13.12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến khẳng định, nội dung dự thảo pháp lệnh đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương.

Đặc biệt, kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

“Bảo đảm xác định đầy đủ, rõ ràng chi phí tố tụng, trình tự, thủ tục thu, nộp chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”, Phó Chánh án nói.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Ảnh: Phạm Thắng

Đáng chú ý, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gồm:

Mức chi cho Hội thẩm nhân dân còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử; định mức chi phí cũ không còn phù hợp với những thay đổi của giá cả thị trường.

Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh; việc thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch còn chậm.

Chi phí cho người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa phát sinh một số chi phí (chi phí xét nghiệm COVID-19) pháp luật chưa quy định.

Một số chi phí thực tế phát sinh nhưng pháp luật chưa quy định như: chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ...

Toàn cảnh phiên họp chiều 13.12. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được nhiều kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn Hội thẩm nhân dân, Đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân do mức bồi dưỡng 90.000 đồng/ngày thực tế tham gia phiên tòa, ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án là rất thấp, đã không còn phù hợp, không bảo đảm quyền lợi cho Hội thẩm nhân dân.

Về đối tượng được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân, có hai loại ý kiến cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử là phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bởi lẽ, Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử, Hội thẩm nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức không đại diện cho cơ quan, đơn vị mình, không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong vị trí việc làm mà họ được giao. Do vậy, việc họ được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân không mâu thuẫn với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tiếp đó, phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân tương đồng với phụ cấp trách nhiệm công việc áp dụng cho đối tượng làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao đã được định hướng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân không thuộc một trong các loại phụ cấp, khoản thu nhập ngoài lương mà Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu phải bãi bỏ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Hội thẩm nhân dân là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không được hưởng phụ cấp xét xử. Việc quy định phụ cấp xét xử cho đối tượng này là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...”.

Dự thảo pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn