MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TP Hà Nội dành 23.524 tỉ đồng triển khai dự án đường Vành đai 4. Ảnh: TTBC

Đề nghị thống nhất, minh bạch các chính sách bồi thường dự án Vành đai 4

Phạm Đông LDO | 20/05/2022 11:21

Hà Nội - Đại biểu đề nghị thành phố chỉ đạo các cấp, địa phương áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư một cách thống nhất, minh bạch, đúng quy định khi thực hiện dự án Vành đai 4. Ngoài ý nghĩa công trình giao thông, cần quan tâm đến yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ. 

Sáng 20.5, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã cho ý kiến vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết về bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư Huyện ủy Thường Tín) cho biết, trong bối cảnh địa phương đang thực hiện cố gắng phấn đấu trong khóa sau trở thành 1 quận của Thủ đô trong khóa sau nên mong đường Vành đai 4 và các công trình cầu trong khu vực được đầu tư xứng tầm.

Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Hưng Yên có xã Mễ Sở và tại huyện Thường Tín có xã Hồng Vân nhưng chưa có cầu kết nối mà mới có bến phà, đề nghị thành phố báo cáo Trung ương đặt tên cầu là Chí Nghĩa và đưa vào ngay từ đầu dự án.

Về phía huyện, đang tích cực triển khai để ngay sau khi thành phố hoàn thành đấu giá, địa phương sẽ khởi công xây dựng khu lưu niệm tại đây, trong đó sẽ xây dựng tháp Chí Nghĩa bằng nguồn vốn của huyện.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (tổ Phú Xuyên) khẳng định, dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội của Thủ đô và bày tỏ thống nhất cao với việc thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách theo phê duyệt của Quốc hội cho dự án.

Dù vậy, đại biểu đề nghị chỉ đạo các cấp, địa phương áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư một cách thống nhất, minh bạch, đúng quy định để không xảy ra tình trạng khiếu kiện gây mất ổn định an ninh chính trị ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Khẳng định dự án là tạo động lực để phát triển Thủ đô, đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) đề nghị trong qua trình thiết kế, nếu dự án có đi qua khu vực làng nghề có tỷ trọng kinh tế cao, tiềm năng phát triển du lịch thì cần chú ý nhu cầu sử dụng của các làng nghề.

Bên cạnh đó, khi thiết kế cầu trong dự án, ngoài chức năng giao thông còn cần chú ý đến yếu tố thẩm mỹ, để biến các công trình cầu đường thành công trình văn hóa, điển hình như cầu Nhật Tân…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, các ý kiến thảo luận đều thống nhất với ý nghĩa, tầm quan trọng, quy mô của dự án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến kết cấu, kiến trúc; ngoài ý nghĩa là công trình giao thông cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, để xứng đáng là công trình giao thông gắn với công trình văn hóa của thành phố.

Lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tốt để triển khai dự án thành phần theo phương thức kết hợp đầu tư công. Chỉ đạo các quận huyện nơi có dự án đi qua cần phối hợp để triển khai dự án đúng tiến độ, tái định cư đảm bảo công khai minh bạch.

Hà Nội "chốt" chi hơn 23.500 tỉ đồng làm đường Vành đai 4

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách thành phố là 23.524 tỉ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dự kiến có tổng mức đầu tư là 85.813 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2027. 

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (dài khoảng 58,2km), Hưng Yên (dài khoảng 19,3km), Bắc Ninh (dài khoảng 25,6km) và tuyến nối khoảng 9,7km.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn