MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Trọng Quỳnh

Để ổn định kinh tế vĩ mô, phải quan tâm kiểm soát lạm phát

PHẠM ĐÔNG LDO | 02/12/2022 12:19

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tăng trưởng được 1 đồng mà lạm phát cũng tương ứng 1 đồng, thì thành tích tăng trưởng bằng 0.

Ngay sau kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xác định 6,5% là có cơ sở. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, cần đặc biệt quan tâm đến tính thanh khoản của thị trường tài chính.

Trong đó, Quốc hội yêu cầu kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn để phát triển đồng bộ, bền vững và thông suốt các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.

Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo bà Lan, những khó khăn trong xuất khẩu đã được tháo gỡ, đầu tư phát triển được cải thiện, thu hút đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có tác động nhất định đến tăng trưởng năm sau.

Đại biểu Đỗ Thị Lan. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút đầu tư, ổn định an sinh xã hội. Bài học giai đoạn vừa qua chúng ta rút ra cũng là ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống.

Cùng với đó, sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông Cường, ổn định kinh tế vĩ mô phải trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt chứ không cứng nhắc.

Đại biểu Cường cho rằng, điều này rất phù hợp bởi hiện nay, dư địa chính sách tài khóa của chúng ta khá tốt khi nợ công khá thấp, nhờ đó có thêm không gian nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Cường cho rằng, nếu lạm phát, tỷ giá tăng lên, đồng tiền mất giá thì nhà đầu tư sẽ không được hưởng lợi, sản xuất sẽ bị thu hẹp lại. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng giãn, hoãn các nghĩa vụ thuế, phí. Hiệu quả của nhóm chính sách này là đã giúp làm giảm gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Đặc biệt, Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 cho phép dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế. Ông Cường cho rằng, đây cũng là những chính sách làm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong môi trường lãi suất tăng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để ổn định vĩ mô, thì chỉ tiêu đầu tiên phải quan tâm là kiểm soát cho được mức lạm phát Quốc hội quyết định (mức 4,5%), nhằm bảo đảm thành quả của tăng trưởng.

“Tăng trưởng được 1 đồng mà lạm phát cũng tương ứng 1 đồng, thì thành tích tăng trưởng bằng 0”, ông Lâm phân tích.

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ.

Khắc phục việc thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn