MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đề xuất chế tài buộc ngành điện phải bồi thường khi cắt điện, gây thiệt hại

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 01/11/2023 10:24

Đại biểu Quốc hội đề xuất cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.

10 doanh nghiệp gia nhập, 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Sáng 1.11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, sản xuất cầm chừng.

Sự chậm trễ kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn của một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu dẫn chứng trong 9 tháng đầu năm 2023 cứ 10 doanh nghiệp gia nhập có đến 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhất là thời điểm cuối quý I năm nay, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường.

Bình quân trong quý I có khoảng 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; chính sách đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu.

Ngoài ra, cần hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phạm Thắng

Quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau

Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm.

Đánh giá cao việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, qua giám sát, có thực trạng là hiện nay với một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.

Đại biểu lấy ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Đại biểu cho rằng, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn