MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đề xuất chỉ dùng 50% nguồn tăng thu ngân sách cho cải cách tiền lương

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/05/2023 16:58

Theo quy định hiện hành, nguồn tăng thu ngân sách địa phương sẽ được trích 30% chi cho đầu tư, 70% còn lại cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên một số tỉnh đề xuất sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương thay vì 70%.

Ngày 11.5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tháng 6.2022, Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 (từ tháng 6.2020 đến tháng 6.2022).

Do vậy, thời điểm Quốc hội cho ý kiến từ tháng 6.2022 đến tháng 6.2023, như vậy có nên tách báo cáo thành hai phần: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và việc thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16.6.2022 và Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về đầy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, báo cáo cần tập trung vào kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật và cần thiết biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành động. 

Nghị quyết 74 đã đề nghị Chính phủ rà soát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai một số công việc cụ thể như phát động cuộc vận động và phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm rõ nội dung nào đã làm được, nội dung nào không làm được, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết một số tỉnh đề xuất sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương thay vì 70%.

Theo quy định hiện hành, nguồn tăng thu ngân sách địa phương sẽ được trích 30% chi cho đầu tư, 70% còn lại cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và một số địa phương đã kiến nghị với Thủ tướng chia tỉ lệ 50-50 để tăng chi cho đầu tư công.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đề nghị này cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, địa phương phải tính toán cặn kẽ để dành nguồn lực cải cách tiền lương, bảo đảm không thâm hụt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định nguồn vượt thu từ ngân sách Trung ương phải trích 40%, ngân sách địa phương phải dành 70% để làm quỹ lương.

"Có năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng sẽ có những năm ngân sách hụt thu. Do đó, việc chủ động nguồn cải cách tiền lương là rất cần thiết, cần giữ nguyên tỉ lệ phân chia như hiện nay để chuẩn bị tăng lương cơ sở từ 1.7", ông Phớc nói.

Lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu. Tháng 11.2022, Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng (tăng 20,8%) từ 1.7.2023.

“Về chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi hướng dẫn nội dung chi tiêu, còn lại phân bổ một cục về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đấy kiểm tra. Nếu trên này phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn thì làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

1.200 quyết định tuyển dụng sai bị thu hồi

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo, từ năm 2020 đến tháng 6.2022, các cơ quan đã xử lý gần 100.000 trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức sai quy định. Trong đó, trên 1.200 quyết định tuyển dụng đã bị thu hồi.

Các cơ quan cũng kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng trong giai đoạn này, bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng gần 18.900 công chức và hơn 125.000 viên chức. 258 người được tuyển dụng theo các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Kết quả tuyển dụng đã bổ sung nhân lực cho hệ thống khi gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc thời gian qua.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện môi trường làm việc; có các chính sách hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn, để khắc phục tình trạng thôi việc ồ ạt thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn