MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Đề xuất chuyển 100.000 tỉ đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp, chống dịch

Phạm Đông LDO | 09/11/2021 16:58
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đề xuất chuyển 100.000 tỉ đồng đầu tư công sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới. 

Thu hút trở lại 300.000 lao động trở lại TPHCM

Chiều 9.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch.

Tại hội trường, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP.Hồ Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 430.000 người mắc (chiếm 47% cả nước) và hơn 16.600 người đã mất (chiếm 75% cả nước). Khi thực hiện phương châm "ai ở đâu thì ở đấy", về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu.

Ông Nhân cho biết, dự báo, năm nay tăng trưởng âm 5%. Để khắc phục hậu quả của COVID-19 phục hồi tăng trưởng kinh tế, thành phố đã xác định có 4 giải pháp cần tập trung, khẩn trương thực hiện.

Một là, tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch COVID-19 hai năm qua để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát tốt hơn nữa. Đối với TPHCM, cần đưa số người mắc bình quân 1 ngày từ mức khoảng 1.000 xuống dưới 500 người, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hai là, cần hỗ trợ cho 430.000 người đã mắc COVID-19 và gia đình của hơn 16.600 người đã mất vì COVID-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống và làm việc.

Ba là, hỗ trợ để giải bài toán thu hút trở lại 300.000 lao động đã trở về quê hoặc bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động của thành phố.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu, sau gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải…

Ông Nhân cho rằng, đoàn tàu kinh tế TPHCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa... Như vậy, cần kinh phí để có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu trở lại bán được vé, có tiền trả nợ vay.

Dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. 80% cần hỗ trợ nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỉ đồng/doanh nghiệp, 25 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức vay 440.000 tỉ đồng thì có thể khởi động lại hầu hết cho số doanh nghiệp này.

Việc hỗ trợ để vay được 940.000 tỉ đồng thông qua việc giảm 3% lãi suất vay thì tốn khoảng 28.200 tỉ đồng, nếu so với số thuế mà các doanh nghiệp này đóng góp hàng năm 277.000 tỉ thì gấp 9,8 lần số tiền chúng ta hỗ trợ.

Do đó, đại biểu kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỉ đồng, thiếu 100.000 tỉ đồng. Số tiền 100.000 tỉ đồng này có sẵn đó chính là trong đầu tư công chúng ta còn chưa dùng hết hơn vì điều kiện không cho phép để thực hiện.

Từ phân tích này, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỉ đồng đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới. 

Mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 cần thực tế

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đánh giá báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá rõ nét bức tranh kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, đại biểu này cho rằng, những con số thống kê chưa đánh giá hết được những khó khăn nước ta đang gặp phải.

Với diễn biến dịch tiếp tục phức tạp như hiện nay, ông Sơn cho rằng, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 cần thực tế, gắn với các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là lộ trình mở cửa nền kinh tế và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ông đề nghị từ giờ đến cuối năm cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi cả nước; giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, logistics; hỗ trợ cho doanh nghiệp người dân được phục hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn