MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Báo Lao Động ở số 51 Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Tùng Giang.

Đề xuất di dời trụ sở Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ: Tờ trình của UBND TP Hà Nội không đúng thực tế!

Nhóm PV LDO | 29/06/2022 11:19

Một đề xuất khó hiểu và phản ánh sai thực tế về hiện trạng trụ sở của Báo Lao Động tại 51- Hàng Bồ (Hoàn Kiếm- Hà Nội) vừa được UBND TP.Hà Nội đưa vào tờ trình HĐND về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố. Theo tờ trình, trụ sở của Báo Lao Động tại địa điểm này được cho là "đóng cửa để không, không cho thuê, không sản xuất". Trong khi thực tế nơi đây vẫn đang là địa điểm làm việc của nhiều bộ phận của báo và được ghi nhận trong biên bản kiểm tra hiện trạng trước đó giữa các cơ quan chức năng vào cuối năm 2021.

Tờ trình hiện trạng phản ánh sai thực tế

Mới đây (ngày 20.6), UBND TP.Hà Nội có tờ trình HĐND TP. Hà Nội về Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP.Hà Nội (đợt 1). Đính kèm theo tờ trình này là bản danh sách 10 cơ sở nhà, đất tại 12 quận đề xuất di dời với hiện trạng thực tế ở thời điểm trình. 

Tuy nhiên, gây bất ngờ và khó hiểu khi trong bản danh sách trên lại có tên trụ sở chính Báo Lao Động tại số 51 Hàng Bồ (diện tích 359m2, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm). Càng bất ngờ hơn khi hiện trạng địa điểm này được UBND TP.Hà Nội nêu: "Đóng cửa để không, không cho thuê, không sản xuất", đồng thời, "theo Quy hoạch phân khu đô thị Khu phố cổ (H1-1A) được phê duyệt, khu đất thuộc khu vực quy hoạch là đất cơ quan". 

Báo Lao Động vẫn hoạt động thường xuyên ở trụ sở chính số 51 Hàng Bồ. Ảnh chụp ngày 30.12.2021. Ảnh: Hữu Chánh.

Trên thực tế, Báo Lao Động cho đến nay vẫn hoạt động thường xuyên theo đúng chức năng tại địa chỉ này. Điều này cũng thể hiện tại "Biên bản kiểm tra hiện trạng nhà đất" vào ngày 24.12.2021 với sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính và của chính các đơn vị trực thuộc Hà Nội là Sở Tài chính và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.Hà Nội.

Biên bản này nêu rõ, nhà làm việc của Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ đang có hiện trạng như sau: Tầng 1, 2 đang cải tạo sửa chữa để làm trường quay theo Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 6.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ; Tầng 3 sử dụng làm văn phòng làm việc. 

Còn theo Quy hoạch phân khu đô thị Khu phố cổ (H1-1A) được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tháng 3.2021, chỉ các khu vực đất cơ quan, một số trụ sở, cơ quan không phù hợp với tính chất, cảnh quan và vệ sinh môi trường khu phố cổ mới thuộc diện từng bước được di dời.

Trong khi đó, trụ sở chính 51 Hàng Bồ của Báo Lao Động hàng chục năm nay được xác định là trụ sở của cơ quan sự nghiệp văn hoá, gần đây nhất là theo kết quả Điều tra sử dụng đất của các tổ chức (thực hiện theo Chỉ thị 245/TTg ngày 22.4.1996). Hoạt động của báo không thuộc diện gây ô nhiễm hay ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Chưa kể nơi đây còn lưu giữ dấu ấn lịch sử của một tờ báo của tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân gần 100 năm tuổi.

Không thuyết phục

Chính vì vậy, theo PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh (Đại học Xây dựng), lấy lý do gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan để đề xuất di dời trụ sở 51 Hàng Bồ của Báo Lao Động thực sự không thuyết phục. 

Liên quan đến vấn đề này, ngay sau khi UBND TP.Hà Nội có tờ trình, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào ngày 24.6 đã có các văn bản gửi Bộ Tài chính và UBND TP.Hà Nội cho biết, trên cơ sở kiểm tra hiện trạng, phương án đề xuất đối với trụ sở của Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ là giữ lại tiếp tục sử dụng.

"Đề nghị UBND TP.Hà Nội có ý kiến gửi Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của Tổng Liên đoàn trên địa bàn TP.Hà Nội nêu trên theo quy định" - văn bản của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.

Một "trạm đọc" thân thiết với người dân phố cổ

Trụ sở Báo Lao Động tại số 51 Hàng Bồ qua dặm dài lịch sử đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, in dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Tại đây, sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 13.10.1945, Báo Lao Động ra công khai. Tùy từng điều kiện cụ thể, báo ra 2 hoặc 4 trang khổ nhỏ. Phát hành 1.500 - 2.000 tờ báo/kỳ vào thứ năm hằng tuần.

Và sau ngày 30.4.1975, Báo Lao Động từ số nhà 51 Hàng Bồ bằng mọi cách chuyển lên từng chuyến xe của Tổng Công đoàn đi xuyên Việt vào phát hành trong thành phố Sài Gòn giải phóng. Trong những năm bao cấp khó khăn, Lao Động trở thành một trong những tờ báo đứng ở hàng đầu cuộc đấu tranh đổi mới báo chí. Trụ sở 51 Hàng Bồ cũng từng vinh dự 2 lần được đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm. 

Tại số 51 Hàng Bồ hiện đặt trụ sở của Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng. Hơn 25 năm qua, với tôn chỉ chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, nhân dân thiên tai bão lũ..., quỹ Tấm Lòng Vàng đã trở thành địa chỉ tin cậy kết nối những tấm lòng hảo tâm. 

Đồng thời, về mặt nghiệp vụ, đây cũng là nơi Báo Lao Động đặt trường quay của Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện và sản xuất hàng loạt chương trình đã lên sóng thời gian qua, đặc biệt là các bản tin video, talkshow cùng nhân vật,...

Trường quay của Báo Lao Động tại trụ sở 51 Hàng Bồ, nơi đang sản xuất các chương trình, bản tin video của Báo Lao Động. Ảnh: Đình Trường.

Với riêng người dân khu phố cổ, đọc báo in Lao Động dường như đã trở thành thói quen mỗi sáng khi đi qua 51 Hàng Bồ.

Ông Nguyễn Quốc Bảo (71 tuổi) là độc giả lâu năm của báo Lao Động, thường xuyên ghé qua 51 Hàng Bồ để đọc báo đứng. "Tôi trước là công nhân, tờ Lao Động rất gần gũi với người lao động và dần trở thành thói quen của tôi".

Trong khi đó, là bảo vệ tại trụ sở 51 Hàng Bồ, ông Đỗ Văn Nhân (Ba Đình) cho biết còn có thêm một nhiệm vụ khác, đó là mỗi buổi sớm dán các tờ báo mới ra ngày hôm đó lên bảng tin trước trụ sở để phục vụ bạn đọc.

Nhiều người dân có thói quen đọc báo in Lao Động ở trụ sở 51 Hàng Bồ. Ảnh chụp ngày 30.12.2021 - Hữu Chánh.

"Tôi thấy trụ sở báo Lao Động vẫn hoạt động bình thường. Các cán bộ, phóng viên báo Lao Động vẫn ra vào, làm việc tại 51 Hàng Bồ mỗi ngày. Cứ 6h30 mỗi ngày, chúng tôi rất phấn khởi khi được dán lên những tờ báo mới để cung cấp thông tin mới nhất cho độc giả. Dù công việc rất nhỏ, nhưng mang lại niềm vui cho mọi người, chúng tôi cảm thấy rất tự hào”, ông Nhân vừa nói vừa đưa tay gỡ những tờ báo cũ và dán lên những tờ báo mới phát hành. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn