MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất dùng ngân sách Trung ương hỗ trợ lao động tự do

Bích Hà LDO | 09/11/2021 10:25

Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn đại biểu tỉnh Hậu Giang) đề xuất dùng ngân sách Trung ương hỗ trợ lao động tự do, bởi ngân sách địa phương đã dành nhiều cho công tác chống dịch trên địa bàn.

Cần thêm chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Sáng 9.11, tiếp tục phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp để tăng hiệu quả việc hỗ trợ người lao động, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hiệu quả của chính sách thích ứng an toàn; giải pháp để cân đối thu chi ngân sách…

Đại biểu Thái Thu Xương (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang) bày tỏ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo bà, chính sách ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam có số lượng lớn vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dịch đang lan rộng, một số địa phương tăng từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3.

Đại biểu Xương đề xuất xây dựng chương trình chống dịch tăng cường khâu điều trị, đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đại biểu Thái Thu Xương (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang). 

Vào tháng 7.2021, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 với tổng số tiền 26.000 tỉ đồng. Trong đó, với lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng lao động) và một số nhóm đặc thù khác, các tỉnh, thành sẽ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng mỗi người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.

Theo Đại biểu Thái Thu Xương, nên dùng ngân sách Trung ương để hỗ trợ lao động tự do, bởi ngân sách địa phương đã dành nhiều cho công tác chống dịch.

Liên quan đến vấn đề thu chi, cân đối ngân sách, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) "tha thiết đề nghị Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết", điều tiết các dự án chậm triển khai, hoặc triển khai không hiệu quả, để ưu tiên các nguồn lực dành cho công tác chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để phục hồi kinh tế.

Theo ông, Chính phủ cần phấn đấu tăng thu ngân sách từ các nguồn còn dư địa, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới.

Sớm đánh giá hiệu quả quy định thích ứng an toàn

Đại biểu Mai Văn Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa – thì quan tâm đến vấn đề “thích ứng an toàn” để mở cửa nền kinh tế.

Đại biểu Mai Văn Hải (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Theo ông, trong đợt dịch thứ 4, người lao động ở TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, số ca mắc gần đây tăng.

Ngoài ra, một số người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát. Thực tế này cho thấy người dân về quê đang là nguy cơ mang mầm bệnh cao.

Ông đề nghị khuyến khích các địa phương khi đón người lao động về quê thì thực hiện cách ly tập trung ở nơi có điều kiện để phòng chống dịch, để không lây lan cho cộng đồng.

Ngoài ra, Đại biểu Hải cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong, để sớm phục hồi nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn