MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn dự phòng

PHẠM ĐÔNG LDO | 20/09/2023 10:24

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc.

Tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 lên 125 đại biểu

Sáng 20.9, tiếp tục phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc...

Quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND thành phố thuộc TP Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để góp phần chuẩn hoá, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo luật quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

Thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể. Do đó chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn.

Chính vì vậy, dự thảo luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo.

Đồng thời được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với TPHCM, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Tiếp đó, dự thảo quy định theo hướng tăng cường năng lực của HĐND TP.

Theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỉ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3).

Về đầu tư, dự án luật cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP Hà Nội.

Chẳng hạn như HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Đông

Cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét về tăng biên chế

Trình bày thẩm tra sơ bộ, liên quan các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã có thông tin về đề xuất tăng biên chế của Thủ đô.

Ông Tùng cho biết, quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP Hà Nội là của cơ quan nào.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện tại Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.

Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn