MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: VPQH

Đề xuất không hủy dự toán 16.000 tỉ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

PHẠM ĐÔNG LDO | 15/11/2023 13:57

Nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỉ đồng. Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nếu cắt nguồn vốn này thì áp lực giải ngân của Chính phủ có giảm đi, nhưng lại thiệt thòi cho các địa phương.

Tiếp tục phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023”.

Thay mặt lãnh đạo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, ngày 10.11.2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện, nhưng không bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc giải ngân chậm phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, nhiều văn bản hướng dẫn đến cuối năm 2023 mới được hoàn thành, sửa đổi, bổ sung để thực hiện, dẫn đến kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 30.9.2023 đạt thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp mới đạt khoảng 15% (3.800 tỉ đồng).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: VPQH

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỉ đồng, gồm 15.000 tỉ đồng vốn sự nghiệp, 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư. Trong đó, riêng vốn sự nghiệp năm 2022 chuyển sang năm 2023 không giải ngân hết còn khoảng 3.713 tỉ đồng.

Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn giám sát thấy rằng, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình, việc cho phép kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024 là cần thiết.

Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như sau: “Cho phép kéo dài vốn năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sang thực hiện trong năm 2024”.

Phương án 1: Đồng ý

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết giám sát để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi thực hiện đồng thời Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết giám sát về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phương án 2: Không đồng ý

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn Quốc hội cho phép, đồng ý chủ trương xây dựng một Nghị quyết thí điểm theo trình tự rút gọn, để đảm bảo đủ điều kiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kịp trình trong phiên họp gần nhất.

Đối với nguồn vốn chuyển sang năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông cảm và thấu hiểu. Bởi mục tiêu của việc chuyển vốn này là rất lớn lao dành cho các địa phương.

“Nếu cắt nguồn vốn này thì áp lực giải ngân của Chính phủ có giảm đi, nhưng lại thiệt thòi cho các địa phương. Địa phương đang rất mong chờ, rất cần” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trên cơ sở kết quả thảo luận tại phiên họp, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị báo cáo chính thức của Chính phủ về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra về nội dung này. Tinh thần là tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng không được để xảy ra xung đột pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn