MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PV

Đề xuất kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc nhiều đợt

NHÓM PV LDO | 20/10/2022 18:22

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua.

Bổ sung quy định về thủ tục tố tụng với đại biểu Quốc hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 20.10, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, dự thảo bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường, sửa quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đại biểu, khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc họp trực tuyến hoặc việc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến tại kỳ họp; trên cơ sở tiếp tục theo dõi qua thực tiễn sẽ kiến nghị để có quy định phù hợp.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội; việc thành lập Ủy ban lâm thời; về vấn đề chiến tranh và hòa bình; về rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân.

Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội phải có báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Đồng thời bổ sung quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quy định cụ thể trình tự xem xét, quyết định các vấn đề này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Quy định phù hợp hơn đối với trường hợp đại biểu bắt buộc phải vắng mặt

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc này nhằm bảo đảm sự thận trọng, khách quan trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 37 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định phù hợp hơn quy trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp Quốc hội.

"Loại ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không phải tổ chức phiên họp Ủy ban để thẩm tra vì thủ tục thẩm tra phải tuân theo những bước nhất định, đòi hỏi có thêm thời gian để thực hiện", Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Về kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp tổ... Đại biểu tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn