MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ một số vấn đề về trừ điểm giấy phép lái xe. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất lái xe vi phạm giao thông, vừa phạt, vừa trừ điểm giấy phép lái xe

PHẠM ĐÔNG - CAO NGUYÊN LDO | 22/05/2024 17:19

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đề nghị quy định theo hướng, người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Chiều 22.5, góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) quan tâm đến một số vấn đề về điểm giấy phép lái xe quy định tại dự thảo luật.

Theo đó, đại biểu phân tích dự thảo luật quy định người có hành vi vi phạm về pháp luật về trật tự giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Quy định này có hai vấn đề cần quan tâm làm rõ và bổ sung thêm.

Thứ nhất, cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

Cá nhân đại biểu cho rằng, đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào dự thảo luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Thứ hai, đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

"Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không?" đại biểu hỏi và đề nghị, cần quy định rõ theo hướng, nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ 12 điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Còn đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) thống nhất bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo luật.

Việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe, vừa giáo dục, động viên việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo đại biểu, mỗi lần bị trừ điểm là một lần cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người lái xe, đảm bảo tính nhân văn của pháp luật và quyền của công dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Góp ý vào quy định về trừ điểm giấy phép lái xe, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đánh giá, đây là điểm mới, một số nước đang có quy định theo hướng này.

Hiện nay, khi bị tước giấy phép lái xe có thời hạn, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, gây ảnh hưởng đến đời sống.

Việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hạn chế việc tước giấy phép lái xe, tài xế vẫn có thể điều khiển phương tiện giao thông.

Song, ở Khoản 3 điều này có quy định nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức.

Theo đại biểu, việc này nên giao cho Bộ Giao thông Vận tải vì theo Khoản 8 điều 60, Khoản 7 điều 61 của Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn