MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đề xuất lộ trình bắt buộc thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát tham nhũng

NHÓM PV LDO | 20/03/2023 17:33

Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề xuất có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.

Kiến nghị thanh toán không dùng tiền mặt

Chiều ngày 20.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp tục điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) - nêu câu hỏi: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng. Viện KSND và Bộ trưởng Công an cho biết đã có những chỉ đạo và biện pháp nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư?

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí nói đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Ông kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực. "Có công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được", ông nói.

Theo ông Trí, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ thì nhận thức khác.

Ông lấy ví dụ vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Trí kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng, đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.

"Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực", ông Trí nói.

Không hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) - nói, vẫn xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố.

"Điều này không thể không nhắc tới trách nhiệm của kiểm sát viên trong quá trình điều tra. Viện trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này", bà Nga chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là chế định tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm.

"Trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, xác minh điều tra thấy rằng có yếu tố làm lọt tội phạm hoặc oan sai thì trả hồ sơ để làm rõ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chế định này cũng có thể bị lạm dụng", ông Trí nói.

Theo ông Trí, thời gian qua ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5%, giao cho đơn vị theo dõi định kỳ.

Các vụ án lớn Trung ương theo dõi, được đưa ra truy tố xét xử vừa rồi đều trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nội dung phức tạp.

"Nếu phát hiện có dấu hiệu của lạm dụng, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật, song tinh thần không coi biện pháp này là hạn chế", ông Trí nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn