MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương - phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đề xuất miễn học phí, bảo hiểm y tế cho con em công nhân mất việc

NHÓM PV LDO | 01/06/2023 09:36

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh ở các cấp học trong năm học 2023-2024 này là con của công nhân lao động khó khăn, mất việc làm.

Kiến nghị xã hội hóa đăng kiểm

Sáng 1.6, thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, hiện nay, sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt. Một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong triển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Trong khi hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi bởi các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định.

Thời gian gần đây, số lượng người lao động thất nghiệp do thiếu đơn hàng tăng nhanh. Họ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng do không chốt được sổ bảo hiểm. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, mục đích của đăng kiểm xe cơ giới là để đảm bảo an toàn cho xe lưu thông trên đường.

Nhưng hiện thủ tục đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải nói riêng và người dân nói chung, nhất là các doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng nặng nề, đứt gãy chuỗi cung ứng khi xe không đủ điều kiện lưu thông.

Điều này vô hình trung khiến việc đăng kiểm xe cơ giới không còn là vấn đề kỹ thuật nữa, trở thành một khoản chi phí phát sinh cho doanh nghiệp và người dân khi việc đăng kiểm kéo dài và mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Việc này nhằm đảm bảo chính đáng cho người lao động, có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp này gây ra.

Để giải quyết bài toán đăng kiểm, đại biểu đề nghị, xã hội hóa công tác đăng kiểm. Chính phủ nên xem xét, mạnh dạn việc phân cấp, ủy quyền cho các hãng ôtô, gara đủ điều kiện chức năng, kỹ thuật thực hiện công tác đăng kiểm. Đồng thời có cơ chế hậu kiểm ngẫu nhiên các cơ sở này để đảm bảo công tác đăng kiểm tư nhân được thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định an toàn kỹ thuật. Có chế tài thật nặng nếu như gara nào vi phạm thực hiện đăng kiểm mà bỏ qua lỗi an toàn kỹ thuật. Có như vậy mới giảm tải cho các cơ sở đăng kiểm đang quá tải hiện nay.

Theo đại biểu, qua dự báo, đánh giá tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm sẽ còn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thiếu đơn hàng, người lao động tiếp tục khó khăn trong chi tiêu, có chi phí cho con đến trường trong năm học mới.

Do đó, đại biểu đề xuất cần xem xét có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh ở các cấp học trong năm học 2023-2024 này là con của công nhân lao động khó khăn, mất việc làm.

Đại biểu cho rằng, đây là hỗ trợ thiết thực cho người lao động hiện nay vì tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Do đó, việc bỏ học của con công nhân sẽ là không tránh khỏi trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ chúng ta phải sớm nhìn thấy điều này để có đánh giá xác đáng và quan tâm đúng mức. Do đó, vì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, vì cuộc sống người lao động và vì tương lai của con em chúng ta, tôi trân trọng gửi đề xuất này đến Quốc hội và Chính phủ xem xét” - đại biểu thông tin. 

ĐBQH sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm các kỳ họp bất thường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ dại dịch vừa qua.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Theo đại biểu, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này. Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân.

Đại biểu hoàn toàn nhất trí việc giảm thuế VAT 2% sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đồng thời, đề nghị xem xét kéo dài sang năm 2024 giống như ý kiến đại biểu Tô Ái Vang - đoàn Sóc Trăng.

Tiếp đó, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại. Đại biểu đánh giá cao việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh trong dự án luật liên quan đến lĩnh vực này do Bộ Công an soạn thảo.

Đồng thời, quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo báo cáo PCI, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022.

Đại biểu cũng đề nghị chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của doanh nghiệp mang lại; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh để kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn