MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị.

Đề xuất người tiêu dùng được chọn có hoặc không chia sẻ thông tin cá nhân

NHÓM PV LDO | 25/10/2022 15:56

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép trong việc chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cá nhân cho bên thứ ba; sử dụng thông tin để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, chiều 25.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, hệ thống pháp luật thương mại và dân sự hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện giao dịch.

Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp trong giao dịch mua bán, các tổ chức sẽ ưu tiên sử dụng các phương thức hòa giải hoặc trọng tài được quy định tại pháp luật hòa giải hoặc trọng tài nhằm bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xử lý. 

“Việc áp dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của các tổ chức là không phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: “Người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em…

Liên quan đến thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép trong việc: Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba; Sử dụng thông tin của họ để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động có tính thương mại khác…

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù. Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng” 

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về khái niệm “người tiêu dùng”, đa số ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu giữ lại đối tượng “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng”. 

“Khái niệm này đã được sử dụng ổn định từ Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành. Trên thực tế cũng có nhiều trường hợp tổ chức mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng”, ông Huy nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, báo cáo thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, ông Huy cho rằng cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Báo cáo cũng đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn