MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân mới

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/08/2023 06:56

Thẻ căn cước được đề xuất sẽ có thông tin họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng...

Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến xã hội. Dự án luật sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV (ngày 28.8) và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).

Đáng chú ý, Điều 19 Dự thảo luật quy định thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm nhiều nội dung.

Các nội dung thể hiện trên thẻ gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “Căn cước”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân.

Tiếp đó, các nội dung còn có họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; nơi cấp: Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước, thông tin được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp người không có hoặc không thu nhận đầy đủ thông tin quy định.

Người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Trường hợp thẻ căn cước được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi phải đổi thẻ căn cước theo quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:

- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước.

Trường hợp chưa có thông tin của người đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Người tiếp nhận thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ.

- Người cần cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;

- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

- Trả thẻ căn cước theo địa điểm trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Dự thảo luật cũng quy định, mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử.

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm:

1. Số định danh cá nhân.

2. Họ, chữ đệm và tên khai sinh.

3. Ngày, tháng, năm sinh.

4. Giới tính.

5. Ảnh khuôn mặt.

6. Vân tay.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

2. Việc khóa, mở khóa căn cước điện tử được thực hiện theo pháp luật về định danh điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn