MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ đề xuất vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án PPP xây dựng đường bộ. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất nới khống chế tỉ lệ vốn nhà nước trong dự án xây dựng đường bộ

Vương Trần LDO | 12/04/2023 07:00
Theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: "Việc xác định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% được tính trên tổng mức đầu tư dự án nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư". 

Đề xuất vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án PPP

Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, thực tế hiện trong đầu tư xây dựng đường bộ tại quy định hiện hành có một số vướng mắc. Trong đó có tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Quy định hiện hành khống chế tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP.

Dự thảo Tờ trình cho hay, hiện nay, có một số dự án đang chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao; ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án.

Nếu áp dụng đúng tỷ lệ này, các dự án sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. 

Quy định hiện hành khống chế tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Ảnh: Văn Thành Chương

Để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, đảm bảo mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước, cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án. 

Theo đó, về tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: "Việc xác định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% được tính trên tổng mức đầu tư dự án nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư". 

Giải thích về giải pháp và lý do lựa chọn chính sách, dự thảo Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc lựa chọn giải pháp nâng tỉ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP là nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện;

Dự án đường bộ hình thành sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc tuyến hoặc khu vực lân cận, dẫn đến khai thác hiệu quả tiềm năng từ đất đai; đồng thời rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước. 

Đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án PPP

Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án, đồng thời tại Luật PPP đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Thực tế hiện nay, có một số dự án đường bộ đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại vùng, miền còn khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. 

Do vậy, cần thiết có quy định đặc thù, thí điểm quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét, quyết định xem xét, quyết định việc không tính chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư vào tỷ lệ 50% của khoản 2 Điều 69 Luật PPP nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án PPP và mục tiêu huy động vốn đầu tư tư nhân xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn