MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất phương án cải cách tiền lương từ 1.7.2022

Đặng Chung LDO | 28/07/2021 11:25
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách nhà nước để đề xuất phương án cải cách tiền lương năm 2022.

Mức lương thấp nhất của khu vực công sẽ thay đổi

Sáng 28.7, với 479/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Trước khi thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã báo cáo trước Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021- 2025.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thêm về định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995.

Về vấn đề đại biểu đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Việc xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 đã dự kiến lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII), theo đó từ ngày 1.7.2022, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương.

Đối với lương hưu, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII), việc điều chỉnh sẽ thực hiện độc lập đối với tiền lương của người đang làm việc và quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm người có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách nhà nước để đề xuất phương án cải cách tiền lương năm 2022; trong đó có lương hưu với lộ trình và bước đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 và 28 của Trung ương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10 tới.

Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2022

Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 mà Quốc hội thông qua xác định mục tiêu tổng quát là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...;

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính quốc gia.

Một số mục tiêu cụ thể mà nghị quyết đặt ra: Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỉ đồng; tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP. Trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỉ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỉ đồng. Trong đó, tỉ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỉ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.

Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỉ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỉ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỉ đồng

Nghị quyết cũng yêu tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp sử dụng cho đầu tư phải tập trung cho các dự án lớn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn