MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức từ hàng năm thành 5 năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề xuất sửa trình tự phê duyệt biên chế công chức từ "hàng năm" thành "5 năm"

Vương Trần LDO | 05/07/2023 11:16

Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức từ "hàng năm" thành “5 năm” để phù hợp với quy định quản lý biên chế.

Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2020/NĐ- CP ngày 1.6.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định này.

Trong phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định nói trên, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức từ "hàng năm" thành “5 năm” để phù hợp với quy định quản lý biên chế tại Quy định số 70-QĐ/TW và việc thẩm định.

Theo Bộ Nội vụ, theo Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định biên chế của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết, đồng thời Bộ Chính trị đã ban hành các Quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm từ năm 2022 – 2026 cho các cơ quan của hệ thống chính trị. Theo đó, việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt biên chế phải theo nhiệm kỳ 5 năm.

Tuy nhiên, quy định về kế hoạch biên chế, thời hạn trình kế hoạch biên chế tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP đang thực hiện theo từng năm.

Do đó, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng và việc thẩm định, bảo đảm đến hết nhiệm kỳ 5 năm số biên chế của bộ, ngành, địa phương không vượt quá số biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc này nhằm hoàn thiện quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đánh giá tác động của Bộ Nội vụ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước.

Đối với người dân, doanh nghiệp, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trình từ phê duyệt biên chế công chức từ hàng năm thành 5 năm sẽ góp phần ổn định, nâng cao chất lượng công tác quản lý biên chế, từ đó tạo nền tảng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế và cuộc sống.

Về tác động đối với hệ thống pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức không làm thay đổi nhiều đối với hệ thống pháp luật hiện hành; thay vào đó góp phần hoàn thiện đồng bộ về mặt thể chế trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về quản lý biên chế theo giai đoạn và tinh giản biên chế, phù hợp với tình hình thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn