MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Ảnh: VPQH

Đề xuất tài xế công nghệ tham gia BHXH bắt buộc

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 23/11/2023 13:21

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy,  Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, đề xuất đưa đối tượng tài xế công nghệ - cũng như nhóm lao động trên nền tảng công nghệ - thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Tài xế xe công nghệ, giao hàng công nghệ tăng mạnh về số lượng

Sáng 23.11, góp ý về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh (Đoàn TPHCM) góp ý vào quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đại biểu thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác. Tuy nhiên để thực hiện được quy định, đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất đưa đối tượng tài xế công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đại biểu, hiện nay nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.

Đại biểu Diệu Thúy dẫn chứng theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, nhóm đối tượng này về bản chất tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ, có trả lương. Trong đó, hai bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc và có sự điều hành giám sát qua thông qua app do doanh nghiệp quản lý.

Về rút BHXH một lần, đại biểu đồng tình lựa chọn phương án 1 (quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau) vì nhiều lý do.

Theo đại biểu, người lao động cho rằng đây là quyền tài sản, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến và tích lũy của cá nhân. Vì vậy, người lao động phải được quyền quyết định đối với tài sản của họ.

"Bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại đều sẽ gây tâm lý hoang mang và người lao động chưa sẵn sàng để đón nhận", đại biểu kiến nghị.

Theo đại biểu, thực tiễn đã cho thấy phản ứng quyết liệt của người lao động khu vực phía Nam đối với Điều 60 Luật BHXH năm 2014 khi Quốc hội khóa 13 thông qua, vì vậy ngay sau đó phải sửa đổi điều luật này.

Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri, hầu hết công nhân tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đều đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1.

Và theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đây cũng là phương án tương đối hài hòa, đảm bảo quyền được rút một lần đối với người đang tham gia đóng quỹ BHXH có thể đảm bảo ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành.

Theo đại biểu Diệu Thúy, có thể sẽ có một làn sóng nghỉ việc, xin rút BHXH một lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này nhưng nhóm lao động mới tham gia sau năm 2025 sẽ duy trì sự tham gia của mình đến cuối dòng đời lao động.

"Thực tiễn cho thấy không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả các đối tượng có liên quan" - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nói và cho rằng nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần trong tương lai.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền phát biểu. Ảnh: VPQH

Đề xuất người lao động được nhận tiền công nếu không quay lại BHXH

Về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) bày tỏ tán thành với dự án luật trình Quốc hội lần này khi tiếp tục có những quy định về để mở rộng đối tượng tham gia; trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

“Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn. Khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng BHXH cho họ”, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết.

Theo đại biểu, việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 3 đến 6 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng BHXH, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần BHXH để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng BHXH bắt buộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn