MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH

Đề xuất thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập

LÊ PHƯƠNG LDO | 14/06/2018 08:00
Ngày 13.6, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) đã dành nhiều thời gian để đưa ra các biện pháp nhằm xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó, có việc xử lý tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều ĐB đã đề xuất thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản. 

Có nên mở rộng đối tượng áp dụng luật ra khu vực tư?

Đồng tình việc dự thảo luật lần này là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; áp dụng đối với Cty đại chúng, tổ chức tín dụng, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, quy định như trên phù hợp với xu thế quốc tế, Bộ luật Hình sự 2015 và trong thực tế nhiều khi hành vi hối lộ, nhận hối lộ xuất phát từ chính các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên chỉ nên tập trung vào các Cty đại chúng, tổ chức tài chính bởi đây là những đơn vị có sự góp vốn của nhiều cổ đông, người dân.

Theo ĐB Lê Thị Thủy (Hải Dương) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với những bước đi thận trọng. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cũng rất quan trọng do đó mở rộng ra đối tượng ngoài nhà nước nhằm cụ thể hóa chủ trương quan điểm của Đảng, phù hợp với các Công ước của Liên Hợp Quốc trong phòng chống tham nhũng.

Dẫn ra chuyện “sân sau”, “gửi giá”, “lại quả” xảy ra ở nhiều cơ quan ngoài nhà nước, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, dự thảo luật mở rộng phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là phù hợp. Tuy nhiên theo bà Thủy, nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề này chưa khả thi, có thể gây khó cho doanh nghiệp nên cần được đánh giá lại kỹ lưỡng.

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng ngoài nhà nước, song ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm đến các biện pháp phòng là chính với các quy định cụ thể, tránh việc gây cản trở cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đang có sự nhầm lẫn vì Luật PCTN chỉ là con dao chứ không phải công cụ duy nhất để PCTN mà PCTN còn có nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức viên chức.

Theo ông Nhưỡng, nhiều cử tri lo ngại là hiện chỉ với khu vực công đã rất nhiều việc, Nhà nước còn mở ra khu vực tư nữa thì lấy người đâu mà làm?

Ông Nhưỡng phân tích: “Một anh hối lộ để chạy chức quyền cho con, nếu nói anh ta tham nhũng thì khó chấp nhận. Người tham nhũng ở đây phải là người nhận hối lộ để giúp chạy chức. Anh ta phạm tội hối lộ là rõ ràng, nhưng nói anh ta tham nhũng có vẻ xã hội không công nhận. Người nhận hối lộ đó chính là người tham nhũng, bởi vì có chức, có quyền. Do đó nên cân nhắc để tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công”.

Cần cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản?

Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định thu hồi tài sản tham nhũng khi đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng phức tạp, Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá do đó việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

“Để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, dự thảo luật cần có một cơ quan độc lập để kiểm soát vấn đề này. Việc này có thể làm tăng biên chế, trái với chủ trương chung của Việt Nam trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay, tuy nhiên với việc hệ trọng như thế này, việc thành lập một cơ quan mới, độc lập là điều đáng đầu tư” - bà Xuân nói.

Còn theo ĐB Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - nếu mở một cơ quan độc lập như đề xuất trên không hề tăng biên chế. Bởi hiện nay, Việt Nam đang có 3 cơ quan có chức năng PCTN cấp cục đang nằm ở các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an.

“Nếu quyết tâm thành lập một cơ quan mới thì hoàn toàn có thể lấy người từ đây. Vừa có chuyên môn, kinh nghiệm, lại không tăng biên chế” - ông Pha phân tích.

Ông Pha cũng đưa ra dẫn chứng: Qua khảo sát vấn đề này tại Bulgaria, Romania, ở đó Quốc hội thành lập 2 cơ quan, 1 cơ quan kiểm soát tài sản công chức, 1 cơ quan chống tham nhũng và hoạt động rất hiệu quả.

“Vì vậy, Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát thu nhập cán bộ công chức và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông Pha đề xuất.

Còn ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) nhìn nhận, nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh.

Theo ông Vảng, trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế 45%, tuy nhiên nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự.

Ông Vảng cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan dân chủ, đại biểu dân cử phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chuyển kiến nghị sang cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán. Vậy những trường hợp trên sẽ xử lý thế nào?

Đề xuất có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Theo ông Việt, cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng.

Vị đại biểu cũng góp ý luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. “Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng” - ông Việt ví von.

XUÂN HẢI

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn