MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn báo cáo về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đề xuất thay đổi cách xử lý với người trúng đấu giá bỏ cọc

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/03/2024 12:30

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản, vì vậy phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Tiếp tục phiên họp thứ 31, ngày 14.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Báo cáo một số vấn đề lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá. Theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.

Ngoài ra, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này, thường trực cơ quan thẩm tra giải thích.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung Điều 43a tại dự thảo Luật về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn tại Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để thực hiện đấu giá trực tuyến mà nên để người có tài sản lựa chọn và quyết định vì hiện nay đã có hơn 15 tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến được phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn