MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần quy định các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề xuất truy thu đủ tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội, phạt tiền theo số lần vi phạm

PHẠM ĐÔNG LDO | 13/08/2023 17:17

Các chuyên gia đề xuất truy thu đủ số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội; phạt theo số tiền từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỉ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 25 dự kiến diễn ra vào đầu tuần sau (đợt 1 từ ngày 14-18.8).

Tại dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ điều 36 đến điều 44). Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Theo các đại biểu, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH vẫn đang là vướng mắc khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, do đó, cần phải tính toán giải pháp để xử lý quyết liệt tình trạng này.

Trao đổi với Lao Động ngày 13.8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải bằng xử lý hình sự.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần thực hiện việc làm này để lấy đó làm hình thức răn đe cho doanh nghiệp khác không vi phạm. Đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng” BHXH.

Theo ông Hòa, khi người lao động làm việc cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng BHXH cho họ thông qua trích một khoản từ tiền lương. Do vậy, việc doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, quyền lợi của người lao động khi xin nghỉ việc.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19 bằng cách cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn, tạo quỹ đất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…

"Những việc làm này vừa góp phần để cho doanh nghiệp có thêm đơn hàng duy trì và phát triển sản xuất", ông Hòa nói.

Cùng trao đổi với Lao Động ngày 13.8, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền nhiều hơn trong việc xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH.

Đặc biệt là cần bổ sung chức năng xử phạt khi phát hiện trường hợp trốn đóng BHXH cho cơ quan BHXH Việt Nam (hiện tại mới chỉ được phát hiện).

Theo đại biểu Nga, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH. Tuy nhiên, người lao động lại rất khó hoặc không thể thanh tra, giám sát được việc doanh nghiệp có đóng BHXH cho họ hay không.

Như vậy, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, trước tiên là thuộc về cơ quan BHXH và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể đôn đốc, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện việc đóng bảo hiểm cho lao động.

Đề xuất áp dụng nhiều biện pháp xử lý với hành vi trốn đóng BHXH

Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thạc sĩ Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đề xuất áp dụng nhiều biện pháp xử lý với hành vi trốn đóng BHXH khi bị phát hiện như:

Truy thu đủ số tiền trốn đóng BHXH; phạt theo số tiền từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỉ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện; và tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền BHXH đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng BHXH nay bị phát hiện.

Ngoài ra, các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động cũng có thể được quy định để áp dụng đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn