MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa lớn gây sạt lở tại Lai Châu (ngày 12.7). Ảnh: PCTT

Đến năm 2025, phấn đấu giảm 30% thiệt hại do thiên tai

Phong Nguyễn LDO | 15/07/2020 07:36

Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết tại nước ta, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc rất bất thường khi liên tục xảy ra các đợt mưa lớn, mưa đá trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Thiệt hại do thiên tai vì thế cũng ngày càng khó lường, cần có giải pháp căn cơ để ứng phó kịp thời.

Miền núi phía Bắc đương đầu với nhiều hình thái thiên tai cực đoan

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường, từ nay cho đến cuối năm 2020, tại các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có những hình thái thiên tai cực đoan: Một là, cùng với hạn hán trong tháng 6-7, tiếp theo sẽ là mưa lũ trong tháng 9 với dự báo lượng mưa trung bình rất lớn. Đặc biệt, Viện Vật lý địa cầu cũng đã đưa ra dự báo, trong thời gian tới tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực Tây Bắc vùng này có khả năng xảy ra những trận động đất với cấp độ rất lớn.

Cùng với đó, tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ diễn ra nhiều hơn và là nguyên nhân chính dạng hình thiên tai tại khu vực này.

“Đây là một dạng hình thiên tai mấy năm gần đây thường xuyên xảy ra. Chính dạng hình thiên tai này gây tỉ lệ thương vong đối với người dân cao nhất trong những năm vừa rồi, có thể cao hơn cả các hình thái khác. Miền núi phía Bắc là vùng điển hình đặc trưng về kiểu địa hình và những hình thái hình thành nên sạt lở, lũ ống, lũ quét” - Bộ trưởng Nguyễn  Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực miền núi phía Bắc có nhiều hồ thủy điện và thủy lợi lớn nhất trên toàn quốc. Đây cũng chính là nguy cơ rủi ro rất cao. 

“An ninh năng lượng đối với đất nước rất cần thiết. Ở đây có 2 nhóm vấn đề cần chú ý: Một mặt chúng ta phải chú ý làm sao các công trình thủy điện phát huy công năng cao nhất chứ không phải cực đoan chỉ theo 1 hướng là ứng phó. Vấn đề thứ hai là chúng ta phải tính đến kịch bản làm sao để đảm bảo vấn đề an toàn đối với các hồ chứa, các nguồn năng lượng thủy điện trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Chung tay phòng chống thiên tai, bảo vệ cộng đồng an toàn

Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp giữa các thành viên của Ban chỉ đạo, trong đó có Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát thực tiễn nhất, an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải tăng cường các biện pháp tổng thể, từ quy trình điều hành xả/tích nước như thế nào, kế hoạch cụ thể cho mùa mưa, mùa khô, mùa hạn hán nặng... một cách liên hoàn để trên cơ sở đảm bảo không chỉ phục vụ cho an ninh về năng lượng mà phải đảm bảo an ninh chung cho nguồn nước sử dụng chung và an toàn cho sản xuất và dân sinh khu vực hạ du.

Các hồ chứa lớn cả thủy điện và thủy lợi đã được chú ý đến công tác vận hành liên hồ chứa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các chủ đầu tư, các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề an toàn đang là vấn đề thách thức tại các hồ chứa nhỏ, bao gồm cả hồ thủy lợi và thủy điện. 

“Chúng ta phải chú ý sự vận hành đồng bộ không chỉ thiết chế hạ tầng hồ lớn mà kể cả các hồ nhỏ, bằng sự thống nhất, minh bạch giữa cơ quan quản lý, cơ quan chủ hồ với hệ thống của người dân để đảm bảo thích ứng với điều kiện tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra khốc liệt như hiện nay” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Sáng 13.7, tại Hội nghị Phòng, chống thiên tai các tỉnh phía Bắc, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025. Phong trào được triển khai trên phạm vi cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai hoặc có lĩnh vực hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

 Trước những hình thái thiên tai nguy hiểm, khốc liệt liên tiếp xảy ra gần đây và đặc biệt gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, tại Hội nghị trực tuyến Phòng, chống thiên tai toàn quốc  được tổ chức hồi tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo:  “Không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi này. Chúng ta phải thích nghi và phát triển”. Hội nghị Phòng, chống thiên tai các tỉnh phía Bắc nhằm triển khai sâu rộng và cụ thể hơn nữa nhiệm vụ này.

 Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia từ tháng 7 - 12.2020, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

 Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị thiệt hại... Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỉ đồng. Vũ Long

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn