MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Di sản Huế gắn với mục tiêu Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương

PHÚC ĐẠT LDO | 13/11/2023 14:57

HUẾ - Ngày 13.11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi thăm, làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Nhiều di sản được UNESCO công nhận

Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, đó là một hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ… cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc và các thành tố cảnh quan độc đáo gắn liền với các khu di sản.

Song do sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, của thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Di sản văn hóa Cố đô Huế. Nhiều công trình di tích quan trọng bị hủy hoại, xuống cấp; hệ thống lễ hội cung đình bị mai một, lãng quên; các hình thức diễn xướng cung đình như Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình… tản mát và biến tướng trong dân gian; hệ thống cổ vật, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị thất tán đi các nơi khác, cảnh quan khu di sản trong tình trạng hoang hoá.

Du khách mặc áo dài chụp ảnh lưu niệm ở Di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Đình Hoàng

Bằng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử.

Đến nay, Huế đã có 05 di sản được UNESCO công nhận là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016); bên cạnh đó, Huế còn đồng sở hữu 02 di sản thế giới là: Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ.

Di sản, văn hóa Huế gắn với mục tiêu Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đánh giá của UNESCO, hiện nay, công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phúc Đạt

Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đánh giá cao những kết quả về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa, di sản Huế trong thời gian qua.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, càng nghiên cứu sâu chúng ta càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế, đồng thời mong muốn vùng đất này ngày càng phát triển xứng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt từ tầm nhìn về bảo vệ Tổ quốc, về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về văn hóa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (trái) nhận quà lưu niệm từ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (phải). Ảnh: Phúc Đạt

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế phải tiếp tục quán triệt, thông tin, tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích, giá trị ẩm thực, văn hóa con người Huế, việc ứng xử của người dân với lịch sử.

Công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ với giữa phát triển kinh tế và văn hóa; lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển.

Tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học, đặc biệt các di sản trọng điểm; tập trung vào công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế cần truyền thông, quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa Huế và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm Hội chợ - Triển lãm Việt Nam - Lào. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Sau buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và chỉ đạo tại Hội chợ - Triển lãm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn ra tại Huế từ ngày 11 - 15.11.2023.

Tại triển lãm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa một lần nữa khẳng định lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Kể từ khi thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào (ngày 5.9.1962), quan hệ hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” được tổ chức trang trọng với sự tham dự của nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng người dân hai nước sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục tô thắm thêm mối quan hệ truyền thống đặc biệt, hiếm có giữa hai nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn