MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuồng trại đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải được tiêu độc, khử trùng đúng quy định, không được tái đàn khi đang có dịch. Ảnh: Kh.L

Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh tại 7 tỉnh: Biết bệnh vẫn "bán tháo"

Khánh Vũ LDO | 04/03/2019 10:24

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do tâm lý sợ mức hỗ trợ tiêu hủy thấp (tối đa 38.000đ/kg), thời gian chi trả chậm, nên một số hộ chăn nuôi khi có lợn mắc các dấu hiện nghi bị dịch tả lợn châu Phi, đã không khai báo mà giết thịt để bán ra thị trường, hoặc gọi thương lái vào “bán tháo”.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có xu hướng lây lan rộng, sáng 4.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (EOI), tính từ năm 2017 đến ngày 26.2.2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF). Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3.8.2018 đến ngày 3.3.2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này, đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Các tỉnh bị dịch ASF xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).

Các chuyên gia dịch tễ bày tỏ lo ngại, khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tiếp tục lan rộng bởi cơ chế “sống dai dẳng” của virus gây dịch ASF ngoài môi trường.

Hội nghị đã đưa ra thông tin “động trời”. Theo đó, Bộ NNPTNT đã cảnh báo và đưa ra nhiều khuyến nghị về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam bởi đây là bệnh dịch nguy hiểm lây lan trong đàn chậm, nhưng lại lây nhanh giữa các tỉnh và khi xuất hiện các dấu hiệu nghi vấn lợn bị mắc ASF người chăn nuôi phải khai báo với cơ quan thú y để được hỗ trợ xử lý.

Thế nhưng, do tâm lý sợ mức hỗ trợ tiêu hủy thấp (tối đa 38.000đ/kg), thời gia chi trả chậm, nên một số hộ chăn nuôi khi có lợn mắc các dấu hiện nghi bị dịch tả lợn châu Phi, đã không khai báo mà giết thịt để bán ra thị trường, hoặc gọi thương lái vào “bán tháo”.

Chuồng trại đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải được tiêu độc, khử trùng đúng quy định, không được tái đàn khi đang có dịch. Ảnh: Kh.L

Đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh bị lây lan và hiện ngay rất khó kiểm soát bởi tình trạng vận chuyển lợn vào các tỉnh phía Nam để bán kiếm lời khi mức giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cao hơn mức giá lợn hơi tại khu vực phía Nam từ 10.000đ-15.000đ/kg.

“Nguy cơ các tỉnh phía Nam bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi là rất cao nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả”-ông Nguyễn Trí Công-Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho rằng, biện pháp dập dịch còn một số bất cập, tình trạng vận chuyển lợn giữa các địa bàn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Bộ NNPTNT thừa nhận giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg (lợn hơi), thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền..., nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn.

Bên cạnh đó, do thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn