MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Điều hành giá là nghệ thuật, tăng lương cơ sở phải kiểm soát được giá

NHÓM PV LDO | 08/06/2023 12:43

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành. Trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá.

Nghệ thuật điều hành để tăng lương không tăng giá

Sáng 8.6, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023.

Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. 

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?

Đại biểu Triệu Thị Huyền chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Việc điều hành, theo ông Khái, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.

“Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành. Ví dụ như với mặt hàng xăng dầu thì 10 tháng đầu năm tăng nhưng giữa tháng 9 lại giảm”, ông Khái nói và cho biết phải nắm bắt thị trường, có giải pháp và kịch bản để điều hành.

Mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao như năm 2022 là 4% CPI, năm 2023 là khoảng 4,5%. 

Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu. Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.

Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Đặc biết, Phó Thủ tướng cho rằng cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được.

Trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%.

Giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề mất việc làm, giảm giờ làm

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Đại biểu Vương Thị Hương. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, trong những tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng mất việc, giảm việc của người lao động ở những thành phố lớn, khu công nghiệp hay khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Bắc và miền trung. 

Số lao động bị ảnh hưởng là khoảng 510.000 người, trong đó 279.000 người bị mất việc, thôi việc; 195.000 bị cắt giảm giờ làm.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã  triển khai nhiều giải pháp để làm sao để doanh nghiệp hoạt động bình thường, có hiệu quả, cải thiện tình hình hoạt động, từ đó đáp ứng nhu cầu việc làm của công nhân, xử lý được tình huống giãn việc.

Cùng với đó, các ngành cấp và địa phương thực hiện chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, BHXH, BHYT cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện người lao động tiếp cận việc làm ở các sàn giao dịch việc làm tại địa phương…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành nắm bắt kịp thời, ngăn chặn những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và ảnh hưởng đến hành vi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Báo cáo về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề.

“Trong 5 tháng đầu năm, có 510.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279.000 lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng…”, Phó Thủ tướng khái quát.

Bên cạnh việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, nhằm bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội”, ông Khái quán triệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn