MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đoàn công tác Báo Lao Động dâng hương tại di tích Ngã ba Đồng Lộc

TRẦN TUẤN LDO | 09/02/2023 16:38

Hà Tĩnh - Chiều ngày 9.2, đoàn công tác Báo Lao Động do ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn  Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Giám đốc Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng dẫn đầu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (ở thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc).

Tham gia dâng hoa, dâng hương cùng đoàn còn có ông Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh; bà Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động  tỉnh Hà Tĩnh; bà Phan Thu Thuỷ- Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, Phó Giám đốc Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng cùng cán bộ, phóng viên Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ...

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cùng đoàn đã đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước, khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển dâng vòng hoa trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Trần Tuấn.
Đoàn dâng hoa tại khu mộ 10 nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Tuấn.

Các thành viên trong đoàn đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động dâng hương tại Khu mộ 10 nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Tuấn.
Đoàn thắp hương tại các phần mộ của 10 nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Tuấn.

Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…, số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người.

Họ làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên công trình Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc mà Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng từng kêu gọi xã hội hóa đóng góp kinh phí để xây dựng. Ảnh: Trần Tuấn.

Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng ngàn chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24.7.1968. Các chị hy sinh trong trận bom dội xuống Đồng Lộc khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn